Đổi mới doanh nghiệp, sống nhanh hay chết từ từ?

Chìa khóa sống còn nằm ở chiến lược đổi mới của mỗi doanh nghiệp. Hiểu được điều đó, Forbes đưa ra 9 quy tắc nằm lòng cho đội ngũ lãnh đạo đang lèo lái doanh nghiệp. Từ khi Alexander Fleming phát hiện ra penicillin đến lúc phương thuốc này được sử dụng rộng rãi là một quá trình thế nào? Google và Apple có điểm chung gì trong con đường phát triển và đổi mới của hai hãng?

Cải tiến không chỉ đơn thuần là một ý tưởng, và có nhiều hơn một cách để đạt được nó trong thời đại kĩ thuật số này.

1. Cải tiến chưa bao giờ là một công việc đơn lẻ

Alexander Fleming phát hiện ra penicillin vào năm 1928 nhưng phải đến 15 năm sau nó mới được đưa vào sử dụng rộng rãi.

Alan Turing nghĩ ra ý tưởng máy tính đa năng vào năm 1936, thế nhưng phải đến năm 1946 chiếc máy đầu tiên mới được ra đời. Và phải đến tận những năm 90 thì máy tính mới thực sự giúp tăng năng suất làm việc.

Chúng ta thường coi cải tiến như những ý nghĩ lóe sáng trong đầu. Sự thực là để cải tiến bất kì điều gì, cần một quá trình dài bắt đầu từ ý tưởng, sau đó là giải pháp sáng chế, và cuối cùng là thay đổi toàn bộ một ngành hoặc lĩnh vực. Chỉ một cá nhân hay thậm chí cả một tổ chức khó có thể tự làm được điều này.

2. Kết hợp nhiều yếu tố

Lý do mà Fleming đã không thể tự đưa penicillin ra thị trường là bởi ông chỉ là một nhà sinh vật học và không có đủ mọi kĩ năng cần thiết. Mãi đến một thập kỉ sau vấn đề này mới được giải quyết khi hai nhà hóa học Howard Florey và Ernst Boris Chain tìm được cách tổng hợp penicillin. Hơn nữa, nếu thiếu những chuyên gia trong khâu sản xuất và lên men, có lẽ phương thuốc kì diệu này đã không bao giờ thành hiện thực.

Đây không phải trường hợp ngoại lệ mà là một ví dụ tiêu biểu của việc cải tiến. Darwin đã mượn ý tưởng từ nhà kinh tế Thomas Malthus và nhà địa chất Charles Lyell để viết nên thuyết chọn lọc tự nhiên.

Watson và Crick không khám phá ra DNA bằng cách nhốt mình trong phòng thí nghiệm, họ đã kết hợp các kết quả nghiên cứu trong sinh học, hóa học và tia phóng xạ để hoàn chỉnh mô hình của mình.

Những cải tiến vĩ đại không xảy ra trong một ngành nghề cố định. Chúng hầu hết đều là sản phẩm của sự phối hợp giữa nhiều lĩnh vực khác nhau.

rebuilt

3. Đặt ra câu hỏi mấu chốt

Thông thường, chúng ta tiến hành cải tổ một cách rất cứng nhắc, như thể mọi vấn đề đều giống nhau. Thế nhưng ở mọi nơi, như phòng thí nghiệm, nhà máy, trường đại học, thậm chí các quán cà phê, mọi người đều có những ý tưởng làm thế nào để ra được kết quả tốt hơn. Không ai có thể độc quyền tư duy sáng tạo cả.

Nhưng làm thế nào để trao đổi thông tin nhằm đổi mới? Giao hết việc cho gã mặc áo trắng trong phòng thí nghiệm? Tìm đối tác bên ngoài? Hỏi một chuyên gia trong lĩnh vực? Trưng cầu ý kiến đám đông?

Theo một tài liệu được ghi chép lại trong Harvard Business Review, cách tốt nhất để bắt đầu là tự hỏi mình những câu sau:

- Vấn đề đã được xác định đến đâu?

- Những lĩnh vực/ngành công nghiệp nào liên quan đến vấn đề này?

Rõ ràng là không một phương pháp đơn lẻ nào là đủ. Bất kì nhà sáng tạo lớn đến đâu như Apple, Tesla hay Google đều có những sơ đồ chiến thuật. Bởi vậy, bước đầu của việc giải quyết một vấn đề khó khăn là đưa ra câu hỏi để tìm ra được phương pháp tiếp cận đúng đắn. Như Voltaire đã nói, để giải quyết một vấn đề thì phải xác định được vấn đề trước đã.

4. Không có mô hình “chuẩn” cho sự cải tiến

Nhiều người khi nghe đến cụm từ “đổi mới” đều liên tưởng tới khởi nghiệp. Và đúng là những doanh nghiệp mới như Uber, Airbnb hay Space X đang làm thay đổi bộ mặt của thị trường.

Tuy vậy những “lão làng” như IBM, P&G hay 3M lại thành công trong việc dẫn đầu trong nhiều thập kỉ. Trong khi đó một loạt các công ty mới từng cạnh tranh với những ông lớn cuối cùng lại thất bại trước sự biến đổi khó lường của thị trường và công nghệ.

Sự thật là những công ty nhỏ có thể “ra đi” nhanh hơn vì những doanh nghiệp lớn có lượng khách hàng trung thành và nguồn vốn khổng lồ. Họ có thể nhìn xa hơn xu hướng và đầu tư vào những kế hoạch dài hạn. Có một sự khác biệt rõ rệt giữa thành công “sau một đêm” và sự phát triển bền bỉ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

5. Sáng tạo “mở” - Chìa khóa mở rộng tiềm lực

Khi Microsoft tung ra thiết bị cảm ứng ngoại vi Kinect của Xbox vào năm 2010, 8 triệu sản phẩm đã được bán ra trong chỉ hai tháng đầu tiên.

Gần như ngay lập tức, tin tặc bắt tay vào thay đổi các tính năng ban đầu của Kinect. Thay vì tìm cách chặn hành động này lại, hãng Microsoft lại “nới lỏng” khi phát hành bộ phát triển phần mềm nhằm “giúp” những tay tin tặc này.

Giống như Microsoft, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang nắm lấy sức mạnh của sáng tạo “mở”. Cisco vượt mặt Lucent bằng cách sát nhập các hãng mới thay vì chăm chăm phát triển công nghệ nội bộ.

P&G thì thành công lớn với Connect and Develop và hệ thống Innocentive. Đây là những chương trình cho phép các công ty có thể xử lí công việc bằng cách chuyển chúng cho một bên thứ ba.

Như trường hợp của Alexander Fleming và penicillin, hầu hết các vấn đề nan giải nhất của các công ty sẽ cần nhiều hơn là khả năng và nhân lực nội bộ để xử lý.

6. Cải tiến đột phá sẽ cần mô hình kinh doanh mới

Những cải tiến đột phá có một vấn đề lớn: chúng không phù hợp với những mô hình kinh doanh có sẵn trên thị trường. Điều này dẫn đến giá trị của cải tiến này khó được nhìn nhận.

Doanh thu của Kodak chủ yếu đến từ phim máy ảnh. Thế nên kể cả khi máy ảnh kĩ thuật số là sáng chế của hãng, Kodak không nắm bắt nhanh nhạy thị trường này như các đối thủ khác.

Yahoo tập trung vào việc giữ người dùng trên trang web của chính hãng, và bởi vậy mà đã bỏ qua cơ hội thu mua Google.

Thế nên không thể chỉ cải tiến sản phẩm, mà việc đổi mới mô hình kinh doanh cũng vô cùng cần thiết.

7. Đổi mới cốt lõi - Luật 70/20/10

Nhiều người nghĩ cải tiến đồng nghĩa với vứt bỏ cái cũ để nhường chỗ cho cái mới, nhưng không phải vậy. Chris Zook của công ty tư vấn toàn cầu Bain & Co đã chỉ ra rằng, những doanh nghiệp thông minh hiểu được phần lớn lợi nhuận của họ đến từ các hoạt động kinh doanh hiện tại.

Hãy lấy Google làm ví dụ: Google theo đuổi những đổi mới đột phá, như xe không người lái. Nhưng chính việc hãng liên tục cải thiện sản phẩm chính của mình- công cụ tìm kiếm- đã biến Google thành một công ty hàng đầu thế giới. Đây là lý do mà Google cũng như những công ty khác luôn tuân theo luật 70/20/10.

Quy tắc này rất đơn giản:

- Tập trung 70% tài nguyên công ty vào việc cải tiến những công nghệ hiện hành (vd: công cụ tìm kiếm).

- 20% tài nguyên sẽ được đầu tư vào các thị trường liên quan như Gmail, Google Drive, v.v.. - 10% còn lại sẽ được đổ vào các thị trường hoàn toàn mới như xe không người lái.

8. Trong thời đại kĩ thuật số, phải biết mở rộng mạng lưới

Trong quá khứ, việc cộng tác xuyên biên giới là rất khó khăn, thậm chí bất khả thi. Tuy nhiên trong thời đại kĩ thuật số, chúng ta có thể dễ dàng truy cập và kết nối với nguồn lực nhân tài, thông tin hay công nghệ.

Một ví dụ điển hình chính là App Store của Apple. Ứng dụng này là một cách hữu hiệu để khách hàng của Apple có thể truy cập các chức năng trên điện thoại của họ. Đồng thời đây là cách mà hãng tiếp cận được với hàng triệu nhà lập trình tài năng trên thế giới. Khó mà tưởng tượng bất kì một tập đoàn đơn lẻ nào có thể có quy mô hoạt động lớn tới vậy.

Trong thế giới mà mọi kết nối nằm ở đầu ngón tay, con đường dẫn tới thành công không phải là tích tụ và kiểm soát tài sản mà là mở rộng sức mạnh mạng lưới.

9. Hợp tác chính là lợi thế cạnh tranh mới

Những vấn đề hiện chúng ta đang tìm cách giải quyết phức tạp hơn trước rất nhiều. Theo tờ Nature, các bài nghiên cứu khoa học ngày nay trung bình có nhiều gấp 4 lần số đồng tác giả so với năm 1950. Hơn nữa, kiến thức trong thời đại này đã được dân chủ hóa. Một học sinh trung học sử dụng smartphone có thể cập nhập nhiều thông tin hơn so với một chuyên gia của thế hệ trước.

Đó là tại sao bây giờ hợp tác lẫn nhau đang trở thành một lợi thế cạnh tranh. Để đưa ra được giải pháp cho những vấn đề nan giải, chúng ta cần nỗ lực đẩy mạnh liên kết giữa các nhân tài trong những lĩnh vực khác nhau.

Cải tiến không chỉ nằm ở phòng thí nghiệm hay buổi họp của Thung lũng SIlicon. Đổi mới nằm ở chính ta, và chúng ta đều có thể phần nào đóng góp và mang lại thay đổi cho thế giới này.

Thu Uyên

Theo Trí Thức Trẻ

Comments powered by CComment