Cách xây dựng và đánh giá giá trị cốt lõi của DN

Cân nhắc ý tưởng, đưa ra các giả định, hỏi ý kiến bạn bè, theo dõi các xu hướng, xem xét nhu cầu thị trường và cuối cùng đưa ra quyết định triển khai...là những bước mà ai cũng phải kinh qua khi thành lập doanh nghiệp. Nhưng thành hay bại lại phụ thuộc rất nhiều vào cách họ trình bày, giới thiệu các giá trị của mình và làm khách hàng tiềm năng cảm thấy thứ mà họ sắp mua thật sự là cần thiết.

Nếu cứ nghĩ: “chỉ cần tôi xây dựng và cung cấp sản phẩm thì sẽ có người đến mua” thì bao nhiêu công sức, tiền bạc mà bạn bỏ ra sẽ đổ sông, đổ biển hết. Vì thế, trước khi quyết định dấn bước, hãy kiểm tra xem bản tuyên ngôn về các giá trị cốt lõi của mình đã đủ sức thuyết phục hay chưa.

dn copy

Tuy không dám khẳng định thành công 100%, nhưng những câu hỏi sau cực kỳ hữu ích cho doanh nghiệp khi xác định hướng đi cho mình:

Đâu là khoảng trống?

Liệu sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp bạn cung cấp có thực sự cần thiết và nguồn cung đang còn thiếu? Câu hỏi này rất hiển nhiên nhưng vẫn cần phải nhắc lại. Như cách thường làm, đầu tiên bạn hãy lên một danh sách những khu vực còn trống trên thị trường và đối chiếu xem sản phẩm/dịch vụ của bạn có thể lấp đầy những chỗ trống đó không. Nếu câu trả lời là có thì bạn đã thành công một bước. Nhưng nhiều khả năng câu trả lời sẽ là không. Nhưng dù có như thế bạn cũng đừng tuyệt vọng vội. Hãy thử xem xét trên các phương diện khác và tìm ra giá trị khác biệt cho doanh nghiệp của bạn.

Chẳng hạn, nếu Uber là biểu tượng cho một dịch vụ chuyên chở cao cấp không thôi thì sẽ không thể hấp dẫn bằng Uber như một lựa chọn mới thay thế cho taxi hoặc phương tiện cá nhân – hay thậm chí Uber với tư cách là một công ty hậu cần với dịch vụ giao hàng nhanh như tia chớp. Hãy thử cùng với đội ngũ của mình hình dung ra xu hướng thị trường trong nhiều năm tới và lấy đó làm nguồn cảm hứng.

Liệu sản phẩm của tôi có hơn đối thủ cạnh tranh nhiều không?

Nếu đã có ai đó làm ra thứ mà bạn định làm (hoặc có khác chút nhưng không đáng kể), đừng sợ! Vẫn có nhiều cách để chứng tỏ cho khách hàng thấy bạn có thế mạnh của riêng mình và ở đây chất lượng là điểm mấu chốt. Nói một cách ngắn gọn là sản phẩm của bạn phải tốt gấp 10 lần sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Chipotle là một ví dụ. Không thiếu những cửa hàng ăn nhanh kiểu Mexico ở Mỹ nhưng tại sao người ta cứ phải xếp hàng để được ăn ở Chipotle? Rõ ràng chuỗi cửa hàng này có nhiều cái nhất như nguyên liệu chất lượng, đặt hàng dễ dàng, giá cả hợp lý, kinh nghiệm phục vụ lâu năn ... Với doanh nghiệp mình, bạn cũng có thể đưa ra những lý lẽ như thế để chứng minh với các nhà đầu tư rằng chính chất lượng làm nên sự khác biệt của bạn.

Khách hàng (tiềm năng) của tôi muốn gì?

Lời khuyên tốt nhất tôi có thể dành cho bạn là: hãy tự mình nghiên cứu thị trường và dành thời gian tiếp xúc với những khách hàng tiềm năng. Bạn sẽ nhận được những phản hồi tốt nhất từ những người muốn mua sản phẩm của bạn (hoặc đang trả tiền cho bạn nếu bạn đã bước vào giai đoạn thử nghiệm). Thêm nữa, những nhà đầu tư mạo hiểm không phải lúc nào có quan điểm, nhu cầu giống người mua hàng. Thế nên việc bạn dành thời gian để khai thác từ mọi góc độ, mọi khía cạnh là vô cùng quan trọng.

Với những người tập trung vào sản phẩm tiêu dùng, cách dễ nhất để đánh giá phản hồi của thị trường là thông qua những trang web huy động vốn cộng đồng như Kickstarter, Indiegogo. Bằng cách này, bạn không cần phải tốn kém gì nhiều mà vẫn có thể biết là người tiêu dùng có sẵn sàng trả tiền mua sản phẩm của mình hay không. Một cách đơn giản khác để tìm hiểu thị trường là sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa Keyword Planner của Google. Qua đó, bạn sẽ hiểu khách hàng đang tìm kiếm cái gì cũng như dự đoán mức độ phổ biến của những từ khóa nhất định.

Liệu ra đời sau đối thủ cạnh tranh có sao không?

Chúng ta biết “trâu chậm thì uống nước đục” nhưng cũng đã nghe câu “chậm mà chắc”. Rất nhiều trường hợp lợi thế thuộc về người đi đầu nhưng không phải lúc nào cũng thế. Bạn biết sản phẩm iPod của Apple đúng không? Trước khi iPod ra đời, trên thị trường đã có vô số các sản phẩm nghe nhạc MP3. Thế nhưng nhờ giao diện thân thiện, phím điều khiển vượt trội, iPod đã vượt xa các sản phẩm cùng loại để trở thành lựa chọn số một của người dùng.

Nếu bạn đi sau nhưng biết cách ‘đi nhanh’ để có thể tận dụng được những thành quả nghiên cứu, phát minh của người khác và làm ra một sản phẩm vượt trội hơn, bạn vẫn sẽ thành công. Suy cho cùng, các nhà đầu tư sẽ chỉ quan tâm đến mức độ an toàn khi rót tiền vào công ty bạn. Một sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường sẽ chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của họ hơn là một cái gì đó mới mẻ và non nớt.

Điều quan trọng là phải xem xét, cân nhắc thật cẩn thận tuyên ngôn về giá trị cốt lõi của mình ngay từ đầu. Nó giống như là DNA của doanh nghiệp và càng về lâu dài sẽ càng khó thay đổi.

Khởi nghiệp với một định hướng rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp bạn đi đến thành công. Trả lời câu hỏi cái gì, tại sao và cho ai là cơ sở để doanh nghiệp sớm xác định được đối tượng sản phẩm của mình. Một bản tuyên ngôn rõ ràng về giá trị cốt lõi sẽ giúp doanh nghiệp có sự tập trung và giải đáp những thắc mắc của khách hàng trước khi họ kịp đặt câu hỏi.

(Dịch từ Entrepreneur)

Theo Hoclamgiau

Comments powered by CComment