Tiếp thị di động đi vào kênh bán lẻ hiện đại

Những hoạt động tiếp thị tại điểm bán hàng rất quan trọng để thu hút người mua vào thời điểm quyết định và việc ứng dụng các thiết bị di động, đặc biệt là điện thoại thông minh, cho hoạt động này tại các kênh bán lẻ hiện đại đang được các nhà sản xuất bắt đầu áp dụng.

Doanh nghiệp cần kết hợp nhiều hình thức quảng cáo để tiếp cận đúng người mua.

Đường đi của một sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng là cả một đoạn đường dài, mà trong đó bất kỳ chặng nào nếu không được thực hiện tới cùng thì những nỗ lực của doanh nghiệp dễ dẫn đến thất bại. Do đó, các chuyên gia truyền thông luôn tư vấn các doanh nghiệp có kế hoạch bao phủ từ việc xây dựng độ nhận biết thương hiệu (brand awareness) cho đến tạo ra trải nghiệm các nội dung liên quan (relevant content) và có tính chia sẻ (shareable content) dành cho người mua tại điểm bán hàng. Làm được vậy, thương hiệu mới có thể đi sâu vào tâm trí người tiêu dùng dẫn đến quyết định mua sắm thông qua 3 bước: nhìn thấy - ghi nhớ - muốn mua.

tiếp thị di động

Đừng bỏ lỡ khách ngay điểm bán

Theo khảo sát mới nhất của Nielsen, hơn hai phần ba số người tiêu dùng Việt Nam (34%) đi mua sắm tại siêu thị thường xuyên hơn và 29% mua hàng tạp hóa ở siêu thị thường xuyên hơn so với cách đây 12 tháng. Trong đó, 20,5% dân số đi mua sắm tại kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại) ít nhất 1 lần một tuần. Điều này cho thấy tương lai nhiều hứa hẹn của kênh bán hàng này và đây là lý do mà các nhà sản xuất ngày càng cố gắng tiếp cận người mua tại các kênh bán hàng hiện đại.

Tuy nhiên việc tiếp cận khách hàng qua các kênh bán hàng này đòi hỏi doanh nghiệp ngày càng phải sáng tạo hơn. Lâu nay doanh nghiệp thường chọn các kênh báo chí, tivi, mạng xã hội, viết bài quảng cáo... để đưa thông tin sản phẩm đến khách hàng và nghĩ rằng người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm của mình. Tuy nhiên, cách thức này là chưa đủ trong một môi trường kinh doanh tràn ngập thông tin như hiện nay. Thực tế cho thấy, khi sản phẩm đã đến được kệ ở các siêu thị và trung tâm thương mại nhưng nếu nhà sản xuất không có cách “câu” khách hàng ngay tại những điểm bán này thì chưa chắc người tiêu dùng quyết định chọn mua sản phẩm của mình.

Chị Thu Hà tại quận Phú Nhuận, TPHCM chia sẻ, hai đứa con 3 và 4 tuổi của chị cứ đòi chị phải mua lốc sữa chua A mà chúng vừa xem xong quảng cáo sản phẩm đó trên tivi. Bản thân chị cũng nghĩ sẽ mua sản phẩm này dùng thử. Tuy nhiên khi ra đến siêu thị, sản phẩm sữa chua B lại được trưng bày đẹp, ngay tầm mắt, dễ lấy và có chương trình khuyến mãi tặng kèm quả bóng và búp bê cho cả bé trai và bé gái nên chị và con chị đã chọn sản phẩm sữa chua B đưa vào giỏ hàng. Như vậy hoạt động tiếp thị tại điểm bán là rất quan trọng để lôi kéo người mua vào thời điểm quyết định.

Theo các chuyên gia về trade marketing (tiếp thị thương mại), các sản phẩm mới ra mắt chính là đối tượng cần phải tập trung các hình thức gây chú ý và tác động đến người mua sắm nhất, cũng như thời điểm tung hàng hoá vào các điểm bán lẻ. Ngoài các chương trình khuyến mãi thích hợp thì việc trải nghiệm hàng hoá hoặc thương hiệu cũng đặc biệt quan trọng. Do đó, để làm nổi bật sản phẩm của mình giữa rừng nhãn hiệu tại các siêu thị và trung tâm thương mại, các nhà chiến lược cần những công cụ “thông minh” và ý tưởng sáng tạo hơn.

Thu hút khách bằng ứng dụng điện thoại thông minh

Đối với các nhà làm tiếp thị thì người tiêu dùng sử dụng nhiều thời gian vào đâu thì ở đó là sân chơi của quảng cáo và tiếp thị. Và câu trả lời hiện nay đó là điện thoại thông minh vì nó theo suốt người dùng trong suốt 24 giờ/ngày.

Xu hướng “di động hóa” từ phía người dùng đang tạo điều kiện cho hoạt động tiếp thị trên nền tảng di động (mobile marketing) của doanh nghiệp tăng cao không chỉ ở thị trường trực tuyến mà ngay tại điểm bán hàng là siêu thị/trung tâm thương mại.

Ở một số siêu thị và trung tâm thương mại hiện đã cho người dùng các thiết bị di động sử dụng Internet miễn phí. Với Instant Application (ứng dụng tức thì không cần cài đặt) kết hợp với hệ thống màn hình công cộng thông qua wifi giúp người mua sắm tiếp cận với thông điệp của nhãn hàng. Để truy cập Internet miễn phí, người dùng chỉ đơn giản sử dụng tài khoản mạng xã hội (Facebook/Google+) hoặc số điện thoại của mình. Và nếu muốn có cơ hội nhận được quà tặng hoặc thư giãn, người dùng cũng có thể quyết định tham gia tương tác (chơi game, quay số trúng thưởng, điền thông tin nhận khuyến mãi, ...) của ứng dụng nói trên với một số nhãn hàng của doanh nghiệp.

mobile-app

Quy trình hoạt động của Instant Application giúp tăng doanh số tại điểm bán lẻ

Các trò chơi và quà tặng của Instant Application có thể thay đổi tuỳ theo đặc tính của từng nhãn hàng và được sáng tạo để thu hút người tham gia.

Điều đáng chú ý là Instant Application có khả năng nhận diện người dùng khi họ quay trở lại địa điểm đó (tự động log in Wifi và thông báo chương trình ưu đãi dành cho khách hàng thân thiết). Nhờ vậy mà khách hàng sẽ tìm được niềm vui và lợi ích trong thời gian mua sắm, kích thích sức mua và lòng trung thành với thương hiệu.

Cam kết với người sử dụng là kết quả cuối cùng mà mỗi chiến dịch này thu hoạch. Tùy theo mong muốn của nhãn hàng mà cam kết có thể là số lượng người tham gia chơi game, trả lời câu hỏi khảo sát, điền thông tin nhận quà... hoặc chia sẻ trải nghiệm của mình lên Facebook cá nhân.

Ngoài ra ứng dụng tính năng này, doanh nghiệp không chỉ giới thiệu được sản phẩm đến người tiêu dùng tiềm năng mà còn có thể tiếp cận được đối tượng khách hàng một cách sát sao và chính xác hơn nhờ khoanh vùng được người dùng theo vị trí, thời gian, giới tính, sở thích...

Bà Trần Thị Lan Thanh, Tổng giám đốc Công ty Goldsun Focus Media (GFM), chia sẻ: “Sự góp mặt của công nghệ trong mô hình quảng cáo tại điểm bán lẻ có mục đích chính là giúp đưa người tiêu dùng, nhà phân phối (siêu thị) và thương hiệu lại gần nhau hơn. Khi các bên cùng có lợi thì doanh số bán hàng sẽ tăng lên”.

PV
Theo TBKTSG

Comments powered by CComment