Tiếp thị liên kết - "Át chủ bài" của TMĐT xuyên biên giới

Một sự thật không thể phủ nhận là thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu đang có tốc độ phát triển như vũ bão. Các thống kê TMĐT gần đây cho thấy 40% người dùng Internet khắp thế giới mua sắm trực tuyến – cụ thể đã lên tới hơn 1 tỷ người – và con số này vẫn không ngừng gia tăng.

Trong năm nay, TMĐT toàn cầu được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 21% và chạm mốc 1590 tỷ $ khi các nhà bán lẻ trực tuyến tiếp tục mở rộng thị trường vượt ra khỏi những ranh giới địa lý quốc gia.

Tuy nhiên, chuyển sang kinh doanh thương mại quốc tế được xem là tiềm ẩn nhiều tốn kém kèm với rủi ro. Và có lẽ vì vậy một vài doanh nghiệp cảm thấy không đáng để dồn hết tâm trí nghiên cứu các vấn đề liên quan, cũng như tìm hiểu các kiến thức địa phương cần thiết để đẩy mạnh hoạt động này nữa.

Vậy làm thế nào để xúc tiến hình ảnh thương hiệu và bán hàng trên khắp thế giới nếu như không đầu tư đúng mức hay chấp nhận những rủi ro tài chính có thể phát sinh? Theo các chuyên gia, mô hình “Tiếp thị liên kết” có thể là lời giải cho những thách thức của TMĐT xuyên biên giới.

Tiếp thị liên kết là phương thức tiếp thị mà doanh nghiệp sử dụng các “điểm liên kết” tại địa phương (Publisher địa phương) để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Các Publisher này sẽ được hưởng hoa hồng khi có đơn hàng phát sinh hoặc có hành động của khách hàng (click, đăng kí tài khoản, điền thông tin, trả lời khảo sát...).

Dưới đây là một số lí do cho thấy kênh Tiếp thị liên kết tỏ ra là phương pháp mang lại lợi nhuận cao nhất khi muốn mở rộng kinh doanh quốc tế.
tiếp thị liên kết

Chi phí điều hành thấp

Muốn bành trướng trên phạm vi toàn cầu, rào cản cơ bản chính là phí gia nhập thị trường. Nhiều nhà bán lẻ do dự khi bước chân vào một môi trường mới và chưa được kiểm chứng như thị trường TMĐT xuyên biên giới, bởi vì các đầu tài chính của họ dường như khá ảo. Đây là lúc Tiếp thị liên kết thực sự phát huy được vai trò của mình.

Các liên kết trong mạng lưới này ngay lập tức trở thành “đôi chân” của nhà bán lẻ trên vùng đất mới. Nhiều công ty TMĐT thành công có khả năng xâm nhập thị trường nước ngoài mà không cần tốn tiền tạo một website được địa phương hóa nhờ tận dụng được khả năng của Publisher để chạm tới người tiêu dùng sở tại bằng ngôn ngữ bản xứ.

Ngoài ra, một mạng lưới liên kết rộng sẽ cung cấp lượng lớn dữ liệu để tham chiếu và đưa ra quyết định đâu là thị trường lý tưởng đối với sản phẩm và việc kinh doanh.

Một số Publisher sáng tạo hơn khi hiển thị chi tiết sản phẩm bằng đơn vị tiền tệ của nước sở tại kể cả khi trang chính thức của thương hiệu không có, qua đó thu hút và gia tăng lượng khách hàng mới. Những đối tác Publisher này làm việc để tạo nên một tiến trình thông suốt lý tưởng cho việc tối đa tỷ lệ chuyển đổi trên thị trường sở tại.

Một vấn đề đáng quan tâm không kém khi xây dựng mạng lưới liên kết khắp thế giới, đó là phương thức thanh toán cho Publisher địa phương. Mạng lưới được chọn nên có khả năng trả cho Publisher bằng đơn vị tiền tệ của nước họ (thậm chí trong trường hợp giao dịch diễn ra bằng đồng USD). Đây là điểm cần có để thu hút những Publisher có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường tham gia vào chương trình liên kết. Các doanh nghiệp cần xem xét kỹ khả năng của mạng lưới trong việc báo cáo và xử lý các giao dịch bằng đồng tiền địa phương, cũng như tự động chuyển đổi giữa các đơn vị tiền tệ để giữ chi phí ở mức thấp nhất có thể.

Sau cùng, một số ngành chuyên biệt có thể tận dụng sự khác biệt về mùa giữa các nước trên khắp các châu lục để xử lý vấn đề hàng tồn kho. Ví dụ như đối với một nhãn hàng thời trang sắp tung bộ sưu tập mùa hè của mình vào thị trường Mỹ, nó đồng thời vẫn có cơ hội bán hết số quần áo dư thừa trong bộ sưu tập mùa đông tại Úc. Các nhà bán lẻ đã tận dụng việc bán hàng xuyên biên giới như là cách mở rộng các khuyến mãi theo mùa và thanh lý hàng tồn kho.

Rủi ro thấp

Rủi ro xảy ra khi nhà bán lẻ không chắc chắn rằng sản phẩm của họ có thể thu hút thị trường mới hay không? Khi đó các mô hình CPA (cost per action – trả tiền khi có hành động của khách hàng) hay pay-for-sales (trả tiền khi bán được hàng) sẽ giúp nhà bán lẻ kiểm soát tốt hơn tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) của họ.

Bên cạnh đó, các đối tác toàn cầu còn thay thương hiệu kiểm tra xem môi trường mới có gặp rủi ro về thanh toán hay không. Một nghiên cứu sơ bộ về chính sách hoa hồng của đối thủ cạnh tranh sẽ bảo đảm hệ thống trả hoa hồng của doanh nghiệp có thể thu hút được các “điểm liên kết” trên khắp thế giới.

Những thêu dệt cho rằng bán hàng xuyên biên giới mang lại rủi ro cao hơn cũng sẽ bị lật tẩy khi các bên liên quan xem xét lợi ích rõ ràng hơn.

Ví dụ như tìm kiếm thêm nguồn khách hàng mới từ khắp nơi trên thế giới có thể giúp đa dạng hóa rủi ro kinh doanh. Ngoài ra, việc mở rộng mạng lưới đa quốc gia giúp phân tán bớt những ảnh hưởng có thể gây tổn thương cho doanh nghiệp trong trường hợp có biến động kinh tế diễn ra ở một số quốc gia. Với chi phí khởi đầu thấp và số lượng đối tác sở tại không giới hạn, việc kinh doanh toàn cầu trở thành một trong những quyết định an toàn nhất.

Kiến thức về địa phương

Lợi ích dễ thấy nhất của phương thức Tiếp thị liên kết toàn cầu chính là kho tàng kiến thức về thị trường sở tại mà các đối tác liên kết địa phương mang lại.

Nếu không có các “thổ địa” này thì liệu thương hiệu có biết những kiến thức như: xu thế ‘chia sẻ trên cộng đồng xã hội’ đang ngày càng phổ biến tại Brazil và Đông Nam Á, trào lưu ‘coupon’ đang thống trị tại Mỹ nhưng không thể len lỏi được vào thị trường Úc, hay vai trò của các blogger tại Nhật cũng quan trọng như ở Mỹ và châu Âu hay không?

Tương tự, ngành TMĐT tại Mỹ đã phá vỡ những ranh giới về giới tính và nhân khẩu học, nhưng điều đó có thể không đúng trong một thị trường khác. Ví dụ với nhóm nước BRIC gồm các nền kinh tế lớn mới nổi: Ấn Độ chứng kiến dân số tham gia mạng trực tuyến chủ yếu là giới trẻ; trong khi tại Trung Quốc, thị phần của người dùng trưởng thành đang gia tăng; tại một số thị trường với tình trạng bài xích mua sắm quần áo trực tuyến như Nga thì lượng người tiêu dùng mặt hàng điện tử và sách có tỷ lệ thâm nhập TMĐT cao nhất; thị trường này cũng có hạn chế trong việc sử dụng tiếng Anh nên khả năng thích nghi với tiếng Nga là yêu cầu quan trọng đối với doanh nghiệp muốn thâm nhập.

Thêm nữa, các liên kết toàn cầu mang đến cơ hội vô giá giúp nhà bán lẻ triển khai những nỗ lực Marketing và mang lại thành công trong việc tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường nước ngoài, bởi vì họ biết rõ mức độ và tình trạng cạnh tranh trên thị trường, cũng như nắm trong tay các cỗ máy tìm kiếm và hệ thống mạng xã hội riêng biệt của đất nước họ.

Các điểm liên kết toàn cầu có thể trở thành cầu nối giữa thị trường nội địa và thị trường mới nổi; áp dụng kiến thức của họ để rút ngắn việc học và hiểu biết về thị trường địa phương một cách căn bản. Một số mạng lưới liên kết đã bành trướng khắp thế giới bằng cách mở những văn phòng ở các thị trường này, nhằm giúp các thương hiệu mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế mà không cần di chuyển nguồn lực khỏi đất nước họ.

Tóm lại

Các kênh Marketing trực tuyến đang mở cửa cho nhà bán lẻ địa phương vươn ra toàn cầu, và Tiếp thị liên kết có thể là phương pháp tốt nhất để đặt chân vào thị trường trị giá 1500 tỷ $ của TMĐT xuyên biên giới. Với rủi ro và chi phí điều hành thấp cộng với kiến thức thị trường địa phương trong tầm tay, các thương hiệu có thể mở rộng doanh số toàn cầu mà không phải di chuyển văn phòng đi đâu cả.

Nguồn: marketingland.com

Theo blog.ants.vn

Comments powered by CComment