Đầu tư logistics: Học từ 25 chuỗi cung ứng hàng đầu

Theo báo cáo mới nhất của Gartner về 25 doanh nghiệp (DN) đứng đầu thế giới về chuỗi cung ứng 2015, có thể thấy xu hướng hiện nay của các DN dẫn đầu là thực hiện chiến lược chuỗi cung ứng "Bimodal", bao gồm tập trung song song hai phương diện là không ngừng "tăng trưởng đổi mới" và "tối ưu hóa". Để làm được điều này, DN cần phải đầu tư vào các giải pháp công nghệ cũng như các sáng kiến đổi mới, và đương nhiên không thể thiếu việc đầu tư vào hạ tầng logistics.

logistic out

Thực tế, các khoản đầu tư cho hạ tầng logistics thường rất lớn, kèm theo độ phức tạp cao của hoạt động logistics, nên các DN tại Việt Nam luôn đau đầu trong việc giải bài toán hiệu quả đầu tư.

Nhưng ngay cả trước khi nói đến hiệu quả đầu tư, những câu hỏi cơ bản như: Thiết kế mạng lưới như thế nào? Địa điểm xây dựng kho bãi ở đâu? Tự làm logistics hay thuê ngoài? Chi phí và hiệu quả hoạt động sẽ thay đổi thế nào giữa các phương án triển khai?... cũng đã khiến không ít nhà quản lý DN phải băn khoăn, và đôi lúc còn làm chậm tiến độ thực hiện các dự án. Liệu có cách nào để các DN Việt Nam phân tích, cân nhắc và ra quyết định đầu tư, mở rộng mạng lưới logistics hiệu quả hơn?

Câu trả lời là có, và điều này phụ thuộc vào khả năng sử dụng phối hợp dữ liệu kinh doanh của DN và kinh nghiệm của con người một cách hiệu quả. Trong thời đại công nghệ thông tin và số hóa như hiện nay, "đại dữ liệu" (big data) đã trở thành một nguồn lực quý giá mang tính chiến lược.

Hầu hết các DN lớn tại Việt Nam đều ý thức được tầm quan trọng của big data trong quản lý DN và chi ra hàng tỷ đồng cho các hệ thống ERP tối tân. Tuy nhiên, không ít trong số DN nói trên lại không thể sử dụng khối dữ liệu khổng lồ của mình, hoặc sử dụng một cách kém hiệu quả thông qua các phần mềm không chuyên dụng như Excel.

Tính chất không chuyên dụng của Excel không chỉ hạn chế khả năng phân tích big data, mà còn kéo dài thời gian phân tích và làm cho mọi thứ trở nên khó hiểu hơn vì thiếu tính trực quan.

Để có thể sử dụng được nguồn dữ liệu khổng lồ của mình một cách hiệu quả, các DN Việt Nam có thể xem xét một hình thức thực hành tiêu biểu của ngành logistics hiện đại, đó là "mô hình hóa mạng lưới logistics".

Mô hình hóa mạng lưới logistics là một khái niệm không còn xa lạ trên thế giới, trong ngành logistics, và bắt đầu phổ biến tại thị trường Đông Nam Á như tại Indonesia, Thái Lan...

Ở Việt Nam, hoạt động mô hình hóa tuy đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực điện tử, kỹ thuật, nhưng đối với ngành logistics, đây vẫn còn là một khái niệm chưa mấy quen thuộc.

Mô hình hóa chuỗi cung ứng bao gồm:

- Đưa mạng lưới logistics hiện tại lên bản đồ điện tử;
- Thiết lập các quy luật và thuật toán để xử lý dữ liệu;
- Nhập các dữ liệu kinh doanh, logistics, tài chính vào mô hình;
- Xác định các trường hợp mô phỏng và các thông số so sánh;
- Chạy mô phỏng dựa theo các giả định đúc kết từ kinh nghiệm của con người;
- So sánh các thông số của mỗi trường hợp mô phỏng và chọn ra phương án tối ưu phù hợp nhất với chiến lược kinh doanh.

Mô hình hóa mạng lưới logistics có thể giải quyết được nhiều vấn đề mà không cần đến đầu tư thực tế, như: mô phỏng hoạt động logistics gần với thực tế nhất thông qua việc sử dụng các thuật toán phức, được hỗ trợ bởi các giả định đúc kết từ kinh nghiệm về ngành nghề và thị trường của các chuyên gia và quản lý cấp cao; cung cấp một cái nhìn trực quan, dễ hiểu và dễ tiếp cận; dễ dàng linh hoạt để thích nghi với những thay đổi trên thực tế; hỗ trợ xây dựng lộ trình và cập nhật điều chỉnh.

Hiện nay, một số DN cung cấp dịch vụ tư vấn logistics đang bắt đầu thực hiện mô hình hóa để giúp khách hàng trả lời những câu hỏi hóc búa về mở rộng, cải tiến, tối ưu hóa mạng lưới logistics. Tuy nhiên, việc lựa chọn đối tác logistics cũng cần một số lưu ý.

Có thể căn cứ vào vài tiêu chí để chọn ra DN logistics có khả năng thực hiện mô hình hóa tốt như: hiểu và có kinh nghiệm thực tế với thị trường Việt Nam và Đông Nam Á, vì thực trạng logistics của các nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh và môi trường kinh doanh năng động như Việt Nam rất khác với các thị trường đã phát triển, và độ phức tạp cũng rất cao do nhiều yếu tố đặc thù của quốc gia và khu vực.

Bên cạnh đó, DN cung cấp logistics cũng cần phải có kinh nghiệm tại các thị trường phát triển về logistics để đảm bảo khả năng đưa ra những ý tưởng, thực hành tiêu biểu và công nghệ tiên tiến.

Đồng thời, có mô hình hóa không phải là phát triển phần mềm, vì thế, ngoài năng lực về kỹ thuật, việc sở hữu đội ngũ chuyên viên hiểu về kinh doanh và thị trường là rất quan trọng, và cuối cùng là khả năng hỗ trợ triển khai mô hình vào vận hành và đào tạo nâng cao năng lực logistics cho DN.

JULIEN BRUN - Tổng giám đốc CEL Consulting
Theo DNSG

Comments powered by CComment