Marketing: Học từ Case Study là không đủ

Phương pháp học với hoạt động nghiên cứu các Case Study dần trở nên quen thuộc trong môi trường đào tạo ở Việt Nam. Case Study mang đến những ví dụ sống động và đầy thách thức, những tình huống hấp dẫn lôi cuốn chúng ta khám phá. Vấn đề là: Học case study như thế nào cho hiệu quả?

1. Hãy cố gắng nắm chắc lý thuyết

Điều gì cũng có bước khởi đầu. Và khởi đầu của thực tiễn là lý thuyết. Case study là những tình huống thực tiễn diễn ra trong môi trường kinh doanh thực sự. Thế nhưng nếu có một case study rồi thì làm sao để học từ chính những ví dụ hết sức cụ thể, trực quan như thế? Bạn phân tích, nghiên cứu và rút ra bài học từ case study rồi cuối cùng ứng dụng bài học đó áp dụng vào thực tế doanh nghiệp mình. Muốn làm những điều này, bạn phải có những kiến thức nhất định về vấn đề bạn đang nghiên cứu, và đương nhiên những kiến thức để giúp bạn nằm ở trong lý thuyết.

Case study ẩn chứa những bài học, kinh nghiệm thực tiễn. Lý thuyết mang đến cho chúng ta công cụ để tìm ra các bài học ấy. Tất cả thực tế đều được tổng hợp, đưa vào sách và nâng lên thành lý thuyết, vậy nên case nào cũng sẽ nằm đâu đó thuộc vào một lý thuyết nào đó. Lý thuyết có thể khô khan, chúng ta có nhiệm vụ chuyển hóa sự khô khan đó thành nghệ thuật để giải quyết các case study. Hãy nắm chắc lý thuyết.

think

Chọn lựa và tiếp thu những lý thuyết cần thiết

2. Các case study đã đủ sâu để tìm hiểu?

Các case với những chiến lược đột phá, tạo sức ảnh hưởng lớn đến thị trường đều được lấy từ các doanh nghiệp hoạt động ở thị trường nước ngoài, có thể là các tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh. Những case này hay thật, có nhiều vấn đề để xem xét thật, rút ra được những kinh nghiệm xử lý thật, nhưng liệu những bài học đó chúng ta có thể áp dụng tại thị trường Việt Nam, một thị trường khác với những thị trường diễn ra các case study kia?

Ở thị trường Việt Nam, hiện tại chưa có nhiều case study đủ mạnh để thành vấn đề thực sự gay cấn và đáng để tham khảo. Những chiến lược mạnh mẽ hầu hết đều đến từ các thương hiệu của những tập đoàn đa quốc gia, các người khổng lồ trong nền kinh tế thế giới như Coca Cola, Pond’s, Pepsi, Nescafe...

Việc có ít thương hiệu Việt Nam thực hiện những chiến dịch mạnh mẽ, lâu dài có lẽ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngân sách là vấn đề đầu tiên được nhắc đến, chi phí cho marketing chiếm một phần không hề nhỏ trong toàn bộ ngân sách của chiến dịch, và các hoạt động marketing thì không đem lại hiệu quả ngay lập tức và có thể thấy được. Từ ngân sách ít ỏi đó, thương hiệu cũng không liên hệ được với các agency tốt để hỗ trợ mình. Và cuối cùng, có thể là quan trọng nhất, là ý muốn, tầm nhìn của người lãnh đạo doanh nghiệp, họ quyết định rằng có muốn thương hiệu mình thực hiện những điều đó không.

3. Case Study toàn là về Marketing Communication?

Xử lý khủng hoảng truyền thông? Có phải là điều mà hầu hết các case study nhắm đến? Chúng ta đa phần bị truyền thông báo chí dẫn dắt đến các sự việc nổi bật như vậy. Vụ việc con ruồi của Tân Hiệp Phát, bộ trang phục mới gây tranh cãi của Vietnam Airlines, lùm xùm xe taxi Uber hay xe tải bia Tiger bị lật... khiến chúng ta chú ý nhiều đến vấn đề truyền thông mà ít có bàn đến những vấn đề khác trong marketing.

Marketing không chỉ gói gọn trong Communication. Và case study về marketing thì không chỉ nhắc đến vấn đề đó. Những case về Phát triển sản phẩm mới, Mở rộng kênh phân phối, vấn đề Định giá sản phẩm cũng rất đáng được quan tâm và phân tích.

đồng phục

Trang phục mới của Vietnam Airlines

uber

Taxi Uber đang dần phổ biến tại Việt Nam

4. Điều kiện đủ để trở thành một Case Study

Một case study đẹp để tham khảo, một lượng kiến thức đủ để phân tích. Những điều ấy sẽ giúp bạn rút ra những bài học, tự mình đưa ra nhận định về vấn đề, nhưng để áp dụng vào thực tiễn doanh nghiệp, có vẻ như chưa ổn lắm. Làm việc gì chúng ta cũng cần có những người đồng hành, cùng nhau thảo luận, tranh luận nhiều mặt của vấn đề để đưa ra phương án phù hợp nhất.

Người đồng hành phải là người có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn ta, tham gia vào nhiều dự án marketing để có một lượng kiến thức thị trường đủ để chia sẻ. Và “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, người hiểu nhất vấn đề được bàn tán, chính là những người trực tiếp thực hiện các vấn đề ấy, các chuyên viên marketing, giám đốc marketing của doanh nghiệp. Nếu có một người đồng hành đáng để học hỏi và tin tưởng, cộng thêm lượng kiến thức nền tảng vững chắc từ chính bạn, việc bạn tìm ra được những con đường đưa công việc, doanh nghiệp bạn phát triển sẽ dễ dàng và đáng mong đợi hơn rất nhiều.

Thành Hiển

Theo MarketerVN

Comments powered by CComment