10 câu hỏi thường gặp khi sử dụng Google Analytics

Có thể nói, Google Analytics giống như tai mắt của một website vậy. Công cụ miễn phí phổ biến này tự động thu thập các dữ liệu hữu ích cho bạn, để bạn có thể hiểu rõ hơn, phục vụ và thu hút các khán giả trực tuyến cũng như các khách hàng của mình. Nếu bạn sở hữu một trang web nhưng không biết mọi người sử dụng nó như thế nào thì cũng giống việc bạn cứ liên tục nói chuyện mà không chịu nghe ai nói cả.

Cho dù mục đích website của bạn là để bán sản phẩm, dẫn dắt các khách hàng đến với các cửa hàng ngoài đời thực hay xây dựng thương hiệu thì Google Analytics sẽ đưa ra những phỏng đoán đo lường việc website của bạn đạt các mục tiêu trên đến đâu.

Daniel Waisberg, một chuyên gia phân tích tại Google, đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích về cách sử dụng công cụ phổ biến này. Dưới đây là 10 câu thường được hỏi khi sử dụng Google Analytics để theo dõi và cải thiện website của công ty bạn.

google analytics

1. TẠI SAO VIỆC ĐÁNH GIÁ CHỈ SỐ ĐO LƯỜNG TRÊN TRANG WEB CỦA TÔI NGAY TỪ ĐẦU LẠI QUAN TRỌNG?

Việc biết chính xác các khách truy cập website của bạn (thường là những khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng) thích và không thích những điểm nào về trang web có thể giúp bạn đạt được mục tiêu kinh doanh tổng thể của mình.

Trong cuốn sách Google Analytics Integrations: Centralizing Digital Marketing (2012), Daniel Waisberg đã viết: "Một khi hiểu được sở thích và thị hiếu của khách hàng, bạn sẽ dễ dàng đem lại cho họ một trải nghiệm tốt hơn. Và một trải nghiệm tốt hơn trên Website chắc chắn sẽ khiến khách hàng vui vẻ hơn ."

2. LÀM THẾ NÀO TÔI CÓ THỂ KẾT NỐI GOOGLE ANALYTICS VỚI WEBSITE CỦA MÌNH?

Nếu bạn chưa từng sử dụng Google Analytics thì cũng đừng lo lắng. Việc bắt đầu sử dụng tương đối dễ dàng. Đầu tiên, hãy truy cập vào trang web của Google Analytics. Tiếp theo, nếu bạn đã tạo tài khoản Analytics thì đăng nhập để xem, còn nếu chưa đăng nhập thì nhấp vào nút "Tạo tài khoản" và thực hiện theo các bước để tạo tài khoản cơ bản.

Sau đó, bạn sẽ được cung cấp với một đoạn Google Analytics HTML để chèn vào mã nguồn của website. Mã này về cơ bản là cách Google Analytics "lẻn vào" hệ thống và nắm bắt các thống kê về việc sử dụng website. Nếu không có quyền truy cập ngay lập tức vào backend của trang web để chèn mã theo dõi, bạn nên yêu cầu quản trị viên của trang web làm điều đó giúp bạn.

3. 'NHỮNG MỤC TIÊU' (GOALS) CỦA GOOGLE ANALYTICS LÀ GÌ VÀ TẠI SAO TÔI NÊN SỬ DỤNG NHỮNG MỤC TIÊU ĐÓ?

Sau khi cài đặt mã theo dõi của Google Analytics, bước tiếp theo bạn cần làm là xác định những hành động chủ yếu của người xem khi truy cập website mà bạn muốn theo dõi. Google Analytics coi những hành động chính này là "mục tiêu" mà bạn nên sử dụng để đo lường loại xu hướng nội dung nào thu hút nhiều người truy cập và loại nào không.

Có bốn loại mục tiêu cơ bản :

  • Đích đến. Một vị trí cụ thể trong trang web của bạn.
  • Thời lượng. Mỗi lần truy cập vào website kéo dài bao lâu.
  • Số trang/ màn hình mỗi phiên truy cập . Mỗi lượt truy cập, nguời truy cập xem các trang và màn hình nào.
  • Các sự kiện. Các hoạt động mà khách hàng thực hiện khi truy cập trang, bao gồm nhấp chuột vào quảng cáo, chia sẻ bài viết trên mạng xã hội và phát video.

4. LÀM THẾ NÀO TÔI CÓ THỂ TÌM HIỂU XEM MỌI NGƯỜI KHÁM PHÁ WEBSITE NHƯ THẾ NÀO VÀ KHIẾN HỌ TIẾP TỤC QUAY TRỞ LẠI?

Báo cáo về từ khóa (Keywords) của Google Analytics chỉ ra cho bạn từ khóa nào được tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm có thể dẫn lượt truy cập đến trang web của bạn, và các nỗ lực marketing qua công cụ tìm kiếm (SEM) của bạn hiệu quả đến đâu.

Hãy đặc biệt chú ý đến báo cáo về 'nguồn giới thiệu' (Referrals) của Google Analytics . 'Nguồn giới thiệu' đại diện cho lượt truy cập vào trang web của bạn thông qua các trang web khác liên kết trực tiếp tới bạn.

Bạn có thể sử dụng dữ liệu về nguồn giới thiệu và về từ khoá để cải thiện thứ hạng của website trên công cụ tìm kiếm và nâng cao nhận thức về ai là những người liên kết với bạn, khi nào, ở đâu và tại sao.

Việc hiểu được điều gì có thể thu hút mọi người đến với website của bạn có thể giúp bạn đem lại cho họ nhiều hơn những gì họ muốn, điều này sẽ giúp tăng cường sự gắn kết và khuyến khích họ tiếp tục quay lại và truy cập trong thời gian dài hơn.

5. TÔI CÓ THỂ THEO DÕI CHIẾN DỊCH QUẢNG CÁO GOOGLE ADSENSE CỦA MÌNH VỚI GOOGLE ANALYTICS HAY KHÔNG ?

Có, Google Analytics có thể đo lường hiệu quả chiến dịch Google Adsense của bạn. Nếu mục tiêu của bạn là để tạo ra doanh thu thông qua các sáng kiến ​​AdSense, Waisberg khuyên bạn nên sử dụng báo cáo Trang (Pages) của Google Analytics. Nó cung cấp một cái nhìn chi tiết về các trang trên website có kết quả tốt nhất trong việc tạo doanh thu từ AdSense và nhiều hơn thế.

"Nếu bạn thấy rằng bài viết về những người nổi tiếng tạo ra doanh thu hơn bài viết về bóng đá, bạn có thể xem xét viết thêm về những người nổi tiếng," Waisberg nói.

6. TÔI CÓ THỂ ĐO LƯỜNG MỨC ĐỘ THÀNH CÔNG CỦA CÁC SÁNG KIẾN ​​GOOGLE ADWORDS CỦA MÌNH?

Bạn cũng có thể tận dụng Google Analytics để tìm ra chiến dịch Google AdWords nào thành công và chiến dịch nào thất bại cũng như lí do tại sao.

Để tìm hiểu, hãy tạo ra một phân đoạn báo cáo Trang của Google Analytics chỉ bao gồm các lượt truy cập AdWords mà không kết thúc bằng sự chuyển hướng. Một khi làm điều này, bạn có thể kiểm tra báo cáo Landingpage (trang đích) để xem những trang nào có tỷ lệ chuyển hướng cao nhất, Waisberg nói. Nguyên nhân của việc chuyển hướng có thể do nội dung website nghèo nàn hoặc là thiết kế, trình duyệt và các thiết bị hoạt động kém hiệu quả.

7. LÀM THẾ NÀO TÔI CÓ THỂ THEO DÕI VÀ CẢI THIỆN DOANH SỐ BÁN HÀNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ?

Bạn có thể sử dụng tính năng Goal Funnel tiện dụng nhưng phần nào mang tính kĩ thuật cao của Google Analytics để phân tích sự thành công toàn diện của những nỗ lực thương mại điện tử của bạn – kể cả những giao dịch giỏ hàng cá nhân, nếu bạn muốn.

Waisberg khuyên bạn nên tận dụng lợi thế của các tùy chọn trong Goal Funnel để tìm ra nơi mà khách hàng của bạn từ bỏ quyết định mua hàng của họ trong quá trình mua sắm trực tuyến trên website. Biết được thời điểm và vị trí nơi khách hàng bỏ ý định mua hàng có thể giúp bạn điều chỉnh trải nghiệm mua sắm trực tuyến trên website của mình và hơn nữa là tăng tỷ lệ hoàn thành việc bán hàng

8. LÀM THẾ NÀO TÔI CÓ THỂ BIẾT ĐƯỢC MỌI NGƯỜI SỬ DỤNG CÁC TRÌNH DUYỆT VÀ THIẾT BỊ NÀO ĐỂ TRUY CẬP VÀO WEBSITE?

Trong mục đối tượng (Audience) của Google Analytics, bạn có thể xem một danh sách đầy đủ tất cả những trình duyệt web, hệ điều hành và các thiết bị mà khách hàng sử dụng để truy cập vào website của bạn.

Nếu có một lượng khách đáng kể đang xem website của bạn trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, thì đây có thể là thời điểm thích hợp để xem xét và phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động hoặc tối ưu hóa trang của bạn đối với điện thoại di động để phục vụ họ tốt hơn

9. LÀM THẾ NÀO TÔI CÓ THỂ BIẾT ĐIỀU GÌ KHIẾN NGƯỜI TRUY CẬP RỜI KHỎI WEBSITE?

Tính năng Exit Pages của Google Analytics cho bạn thấy danh sách từng trang trong website của bạn nơi người dùng truy cập trước khi rời khỏi website.

Nếu URL trang chủ của bạn thuộc top đầu trong danh sách này thì rất có thể bạn đang đánh mất khách hàng ngay từ trang đầu tiên mà họ truy cập vào website. Trong trường hợp này, đây có thể là thời điểm bạn nên thiết kế lại trang đích chính của mình để nâng cao việc tham gia tối ưu. Hoặc nếu người sử dụng thoát khỏi website nhiều nhất khi truy cập vào các trang bị "chôn sâu" trong website của bạn, và nếu nó không mấy hữu ích, thì bạn nên xem xét xóa hoàn toàn các trang này.

10. LÀM THẾ NÀO TÔI CÓ THỂ CHIA SẺ NHỮNG DỮ LIỆU GOOGLE ANALYTICS QUAN TRỌNG CỦA MÌNH VỚI KHÁCH HÀNG, ĐỒNG NGHIỆP VÀ CÁC BÊN LIÊN QUAN?

Bạn có thể sẽ muốn, hoặc thậm chí phải chia sẻ tất cả các dữ liệu người dùng mà Google Analytics thu thập được với những người quan tâm, đầu tư và có lợi từ website của bạn. Thật may mắn là vẫn có cách thực hiện điều này, thâm chí là tự động, nếu bạn muốn.

Để gửi một bản báo cáo qua email, đơn giản hãy tìm nút email ngay trên biểu đồ Google Analytics mà bạn muốn chia sẻ. Tiếp theo, bạn sẽ được nhắc nhở để chọn địa chỉ liên lạc và các định dạng tập tin để gửi dữ liệu (như .exe, .pdf, .csv,...). Bạn có thể phân bổ thời gian để gửi thông tin (một lần, hàng ngày, hàng tuần, hàng quý) và chọn ngày nào trong tuần để gửi báo cáo.

Theo Saga

Không ghi tác giả

Comments powered by CComment