Những điều tối kỵ khi nghiên cứu thị trường

Nếu bạn có ý định kinh doanh và đang muốn học hỏi kinh nghiệm thì có lẽ lời tư vấn được nhận nhiều nhất là bước đầu tiên cần nghiên cứu thị trường đã. Đây là một bước rất quan trọng khi khởi nghiệp kinh doanh, giúp bạn xác định được sản phẩm tiềm năng, đối tượng khách hàng của sản phẩm đó và mức độ nhu cầu như thế nào.

Nhưng quá quan tâm nên đôi khi bạn lại hay mắc phải sai lầm mà không nhận ra, dẫn đến việc phí công phí sức mà không đem đến hiệu quả như mong đợi. Vì vậy mà chúng tôi đã tổng hợp một số điều tối kỵ khi nghiên cứu thị trường, giúp bạn lên kế hoạch thực hiện tốt hơn.

1. Chi quá nhiều tiền

Nhiều người thường có suy nghĩ sai lầm thế này, thị trường là một nơi rất rộng lớn, rất phức tạp, muốn kinh doanh tốt thì phải hiểu cặn kẽ thị trường. Chính vì suy nghĩ ấy mà họ bỏ ra số tiền không hề nhỏ cho những hoạt động nghiên cứu thị trường, vận dụng tất cả các phương pháp có thể. Dĩ nhiên kết quả thu về rất cụ thể, rất chính xác, nhưng cũng rất...thừa. Thực tế là bạn chỉ cần một phần không quá lớn trong lượng thông tin có được khi nghiên cứu thị trường mà thôi, vì vậy đừng tốn tiền vô ích cho bên thứ ba hay việc làm tràn lan không mục đích.
Để chi ít mà hưởng nhiều, tốt nhất bạn nên lựa chọn phương pháp phù hợp với mục tiêu và điều kiện của doanh nghiệp mình. Hãy thử tham khảo 5 phương pháp nghiên cứu thị trường phổ biến trước khi đưa ra quyết định nhé.

2. Không biết mình cần thông tin gì

Như đã nói ở trên, nghiên cứu thị trường sẽ giúp bạn có được những thông tin rất hữu ích cho việc phát triển kinh doanh, từ sản phẩm, đối tượng khách hàng tiềm năng đến việc dự đoán nhu cầu,... Nhưng nhiều quá tất loạn, giữa một rừng thông tin ấy không phải cái nào bạn cũng cần và không phải lúc nào cũng cần như nhau. Bạn phải biết được vào thời điểm này thông tin nào về thị trường bạn cần nhất. Ví dụ lúc mới bắt đầu kinh doanh, để xác định sản phẩm chủ đạo bạn phải tìm hiểu thị hiếu của khách hàng bây giờ ra sao, họ thích gì, họ muốn gì và họ có thể mua gì. Đó là những thông tin quan trọng với bạn lúc này, còn các thông tin khác thì nên để giai đoạn sau mới tiến hành nghiên cứu, vì đôi khi thị trường biến đổi sẽ khiến thông tin ấy thay đổi theo, bạn không thể áp dụng được.

nghiên cứu thị trường

3. Chọn sai nguồn dữ liệu

Hiện nay có rất nhiều nguồn dữ liệu khác nhau để bạn tiến hành phân tích và nghiên cứu thị trường, từ trực tuyến đến ngoại tuyến đều có thể dùng làm cơ sở. Sai lầm của nhiều doanh nghiệp là chỉ chọn một hoặc một số ít nguồn dữ liệu dẫn đến việc không bao quát thông tin làm sai lệch kết quả. Lấy đơn cử như việc khảo sát trên mạng, mặc dù bạn có thể lấy một lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn nhưng tính xác thực thường không cao. Bạn cũng có thể lấy tài liệu tại thư viện của các hiệp hội chuyên ngành, nhưng cần phải chú ý vì những tài liệu này được cập nhật khá muộn, tính thời sự bị giảm đáng kể. Thế nên tốt nhất là cố gắng thu thập dữ liệu từ càng nhiều nguồn càng tốt để phân tích ra kết quả chính xác nhất.

4. Không tìm hiểu kỹ về đối thủ cạnh tranh

Thị trường không chỉ bao gồm khách hàng và đối tác mà còn có cả những người trực tiếp đối đầu với bạn, nên việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh cũng quan trọng không kém. "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", câu nói này luôn đúng dù bạn đang kinh doanh bất cứ mặt hàng nào. Hãy tìm hiểu thật kĩ đối thủ, về sản phẩm của họ có gì khác sản phẩm của mình, nó nổi trội hơn ở đâu, thua kém về mặt nào, về chính sách giá và hậu mãi của họ có điểm đặc biệt gì,... Tất cả những thông tin này đều có thể tạo nên lợi thế cạnh tranh cho bạn, là cơ sở để bạn đưa ra những chiến lược kinh doanh trong thời gian tới.

5. Không tìm hiểu về khả năng mua của khách hàng

Tìm được loại sản phẩm mà nhu cầu sử dụng của khách hàng cao không hề dễ, sau đó là cả quá trình dài để thực tế hóa sản phẩm ấy, đến lúc này bạn mới có thể đem bán cho khách hàng. Nhiều người thường tự hỏi vì sao sản phẩm hợp với thị hiếu, chức năng đặc biệt nổi trội mà lượng tiêu thụ lại không hề cao như mong đợi. Nếu lật ngược lại bước nghiên cứu thị trường bạn sẽ hiểu, vì có thể bạn đã bỏ qua bước nghiên cứu khả năng mua của khách hàng. Đây không chỉ là vấn đề về giá mà nó còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của người tiêu dùng nữa. Cứ giả sử giá sản phẩm của bạn đã ở mức thấp nhất có thể để đảm bảo lợi nhuận và cạnh tranh, thế nhưng nó lại không phù hợp với đối tượng khách hàng mà bạn hướng tới thì sao, họ có thể mua nhưng chưa sẵn sàng chi trả vì cảm thấy giá đó không tương xứng với giá trị sản phẩm mang lại hoặc nếu mua sẽ ăn hụt vào ngân sách của họ. Ví dụ bạn làm ra một chiếc váy khá đẹp, giá cả cũng vừa tầm và hướng đến phụ nữ từ 25 đến 25 tuổi. Đối tượng này đa phần đều đã có gia đình, mặc dù họ thích chiếc váy bạn bán, mặc dù họ có thể mua được với mức giá bạn đưa ra nhưng nếu mua nó thì sẽ lậm vào tiền sinh hoạt gia đình họ nên tỷ lệ họ không mua rất cao.
Thế nên khi điều tra về khách hàng ngoài vấn đề sở thích, thói quen, nhu cầu bạn cần xem xét đến cả khả năng sẵn sàng mua của đối tượng để có chính sách giá phù hợp.

6. Chọn tập mẫu sai

So với những sai lầm trên thì sai lầm này có vẻ phổ biến hơn, rất nhiều doanh nghiệp chọn tập mẫu ngẫu nhiên mà không hề suy xét đến vấn đề những đối tượng trên có phù hợp hay không. Việc làm này không chỉ vô nghĩa, làm tốn thời gian công sức và tiền bạc mà dễ khiến kết quả bị sai lệch. Nên khi bắt đầu nghiên cứ thị trường bạn cần thu hẹp tập mẫu lại, khoanh vùng những đối tượng có thể trở thành khách hàng tiềm năng mà bạn hướng đến rồi bắt đầu điều tra.

nghiên cứu thị trường

7. Nghiên cứu qua loa

Mặc dù nghiên cứu thị trường là một bước rất quan trọng giúp bạn có thể khởi nghiệp kinh doanh thành công, nhưng nhiều người lại không nhận thức đúng vấn đề này, họ chỉ làm cho có lệ, bỏ ra rất ít thời gian cũng như phân tích hời hợt. Chắc chắn một điều là kết quả thu được không bao giờ chính xác, chỉ ở mức tương đối hoặc hoàn toàn vô giá trị, không cần nói cũng biết việc này ảnh hưởng thế nào đến việc kinh doanh.
Việc nghiên cứu thị trường tùy vào quy mô và loại hình kinh doanh mà tiến hành, nhưng không vì vậy mà làm qua loa được, bạn cần đầu tư thời gian, công sức thật xác đáng để có những kết quả tốt nhất.

8. Không quan tâm đến kết quả

Nghe thì có vẻ phi lý nhưng sai lầm này không phải không có, nhất là khi kết quả từ cuộc nghiên cứu thị trường đã thực hiện không như họ muốn. Và thế là dù bỏ ra số tiền không nhỏ, thời gian không ít nhưng tất cả những gì thu được lại bị bỏ qua một bên. Bạn nên nhớ những dữ liệu này rất quan trọng, có thể tại thời điểm này nó không hữu ích nhưng sau đó bạn sẽ cần, thế nên hãy bỏ công ra phân tích và lưu trữ, thậm chí đưa chiến lược giả định cho từng tình huống.
8 điều tối kỵ khi nghiên cứu thị trường này rất hữu ích khi bạn bắt đầu khởi nghiệp, hãy tìm hiểu thật kĩ để có quyết định đúng đắn!

Tùng MKT

Theo blog.sapo.vn

Comments powered by CComment