5 thương hiệu điện tử xanh

Không chỉ thể hiện danh tiếng các thương hiệu, đánh giá của Greenpeace còn cho thấy nỗ lực của thế giới trong việc hạn chế ảnh hưởng chất thải điện tử đến môi trường.

Motorola, Samsung, Apple, Nokia và Sony Ericsson được Tổ chức Hòa Bình Xanh đánh giá là 5 thương hiệu xanh.

hồi cuối tháng 5.2010, Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) đã công bố bảng xếp hạng những thương hiệu điện tử “xanh” nhất thế giới, căn cứ vào nỗ lực bảo vệ môi trường của họ trong thời gian qua.

5_thuong_hieu_xanhNokia

Dẫn đầu danh sách suốt những lần xếp hạng gần đây là Nokia, với điểm số 7,5/10. Tập đoàn này đang từng bước loại bỏ các hợp chất chống cháy độc hại như CFR, hợp chất brôm hóa và antimony trioxide trong tất cả sản phẩm mới. Theo tuyên bố của Tổng Giám đốc Tập đoàn, Nokia sẽ đi đầu trong nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm 30% khí thải nhà kính tại các quốc gia công nghiệp hóa đến năm 2020.

Hãng này đặt biệt thực hiện tốt việc hạn chế hóa chất độc hại và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Kể từ năm 2005 đến nay, tất cả sản phẩm mới của Nokia đều không chứa PVC, một loại nhựa được dùng phổ biến nhưng rất có hại cho môi trường. Ước tính phải mất từ 500-1.000 năm, PVC mới tự phân hủy và khi phân hủy, nó sản sinh ra những chất làm đất bị trơ, không giữ được độ ẩm và chất dinh dưỡng cho cây trồng. Về khả năng sử dụng năng lượng tái tạo, Nokia cũng là công ty đi đầu. Năm 2007, 25% năng lượng hoạt động của Tập đoàn đến từ các nguồn có khả năng tái tạo. Tỉ lệ này dự kiến tăng gấp đôi vào cuối năm 2010.

Chương trình thu hồi sản phẩm cũ của Nokia đã giành được điểm số cao nhất trong thang đánh giá. Hiện nay, chương trình được thực hiện tại 85 quốc gia với khoảng 5.000 điểm thu hồi sản phẩm. Việc cung cấp thông tin hướng dẫn khách hàng muốn hoàn trả sản phẩm được đánh giá rất cao.

Nỗ lực cắt giảm khí CO2 của Nokia cũng đạt được số điểm cao nhất với tỉ lệ 10% vào năm 2009 và dự kiến 18% trong năm 2010.

Tuy nhiên, Nokia vẫn còn một số hạn chế khi không công khai áp dụng hướng dẫn RoHS (hạn chế các thành phần độc hại trong sản phẩm điện tử) trong 3-5 năm tới. Bên cạnh đó, tỉ lệ tái chế chỉ khoảng 3-5%, một con số quá khiêm tốn.

Sony Ericsson

Xếp thứ 2 trong bảng đánh giá là Sony Ericsson với 6,9/10 điểm. Tuy nhiên, đây là công ty đạt điểm số cao nhất về việc loại bỏ hóa chất độc hại. Tất cả sản phẩm của Sony Ericsson đều không chứa nhựa PVC và BFR (chất rắn chống cháy có chứa nhiều độc tố).

Sony Ericsson cũng được đánh giá cao ở những tiêu chí như tận dụng năng lượng tái tạo và cắt giảm khí thải nhà kính. Công ty cam kết đến năm 2015, tỉ lệ cắt giảm khí thải nhà kính phát sinh từ các hoạt động nội bộ sẽ đạt 20%. Bên cạnh đó, Sony Ericsson cho biết, 40% lượng điện năng tiêu thụ trên toàn thế giới của Công ty xuất phát từ các nguồn có khả năng tái tạo.

Giống như Nokia, tỉ lệ tái chế cũng là điểm yếu nhất của Sony Ericsson. Năm 2008, tỉ lệ thu hồi và tái chế điện thoại đã qua sử dụng của công ty này là 5% và Công ty hầu như không sử dụng nhựa tái chế trong quá trình sản xuất sản phẩm mới.

Motorola

Xếp thứ 4 và đại diện cho nhóm trung bình khá là Motorola với điểm số 5,1/10. Motorola vẫn còn kém xa Sony Ericsson và Nokia khi xét các tiêu chuẩn hóa chất độc hại có trong sản phẩm. Hãng này đặt mục tiêu sau năm 2010 sẽ tiến hành loại bỏ nhựa PVC và chất chống cháy BFR ra khỏi sản phẩm của mình, điều mà Sony Ericsson và Nokia đã làm từ cách đây khá lâu. Tuy vậy, các mẫu điện thoại di động hiện tại của Motorola không còn chứa nhựa PVC và hãng này vừa cho ra đời mẫu điện thoại A45 ECO sạch bóng PVC và BFR.

Motorola cũng ghi được nhiều điểm nhờ chương trình thu hồi và tái chế sản phẩm tại 72 quốc gia. Theo thông báo của Hãng, trong năm qua, tỉ lệ thu hồi những mẫu điện thoại sản xuất từ năm 2005 là 3%, một con số còn khiêm tốn. 15% lượng điện năng Motorola tiêu thụ đến từ các nguồn có thể tái tạo và Hãng đặt mục tiêu nâng tỉ lệ này lên thành 20% vào cuối năm 2010 và 30% vào năm 2020. Bên cạnh đó, Motorola cũng cam kết cắt giảm 6% lượng khí thải nhà kính vào cuối năm nay, so với mức của năm 2000.

Apple

Hãng công nghệ đình đám nhất thời gian qua được Tổ chức Hòa bình Xanh xếp hạng 5 với 4,9/10 điểm. Thứ hạng của Apple bị tụt so với lần đánh giá trước do Hãng bị cáo buộc là thiếu minh mạch trong việc báo cáo nguồn năng lượng tái tạo đang sử dụng.

Dù thuộc nhóm dưới trung bình nhưng xét về tiêu chí hóa chất độc hại trong sản phẩm, Apple xứng đáng với vị trí số 1 khi tất cả sản phẩm đều không chứa nhựa PVC và chất BFR. Bên cạnh đó, chương trình thu hồi và tái chế sản phẩm của Apple được đánh giá cao dù rằng Hãng không đưa ra lời giải thích thỏa đáng về các con số công bố. Theo một báo cáo của Apple năm 2008, tỉ lệ tái chế sản phẩm (được sản xuất 7 năm về trước) là 41,9%, so với 38% vào năm 2007 và 18% của 1 năm trước đó. Apple đặt mục tiêu nâng tỉ lệ này lên thành 50% vào cuối năm nay.

Hai hạn chế lớn nhất của Apple là không có dự định sử dụng năng lượng tái tạo thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch và tỉ lệ cắt giảm khí thải nhà kính giai đoạn 2006-2007 chỉ là 3%, thậm chí nó đang chững lại.

Samsung

Đây là hãng điện tử “rơi tự do” duy nhất trong bảng xếp hạng do 2 án phạt. Thứ nhất, Samsung đi ngược lại cam kết loại bỏ nhựa PVC và chất BFR ra khỏi tất cả sản phẩm trong năm 2010. Và thứ 2, Samsung cố tình lấp liếm dư luận về việc không thực hiện các cam kết xã hội.

Mới đây, Samsung tuyên bố sẽ loại bỏ hoàn toàn 2 chất độc hại nói trên ra khỏi những chiếc notebook của mình trước tháng 1.2012, nhưng không có kế hoạch tương tự cho tivi và các thiết bị gia dụng. Mặc dù vậy, các dòng điện thoại di động và máy nghe nhạc MP3 của hãng này đã không còn chứa chất BFR từ tháng 1.2010 và sạch PVC từ tháng 4 vừa qua. Tất cả màn hình LCD đều sạch PVC từ tháng 11.2007.

Samsung ghi được nhiều điểm nhờ chương trình tái chế rác thải. Tỉ lệ tái chế tivi cũ của Hãng đã đạt 137%, với máy tính để bàn (PC) là 12% (vòng đời sản phẩm 7 năm) và với điện thoại di động là 9% (vòng đời sản phẩm 2 năm). Samsung cũng ghi điểm cao nhất ở tỉ lệ tái chế nhựa, đạt 16,1% và dự kiến sẽ tăng lên 25% vào năm 2025. Hiệu năng của các loại pin do Samsung sản xuất cũng đạt điểm cao nhất.

Hạn chế lớn nhất của Samsung là chưa có kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính cụ thể, cũng như chưa sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, chương trình thu hồi sản phẩm ở các nước đang phát triển của Hãng cũng không được đánh giá cao.

 

Khúc Phổ (Theo Greenpeace/NCDT)

Comments powered by CComment