Khi Đài Loan tiếp thị thương hiệu trên đất Việt

dai loanAcer là một trong những thương hiệu tiêu biểu của "làng công nghệ" Đài Loan, vốn chỉ tập trung làm hàng gia công trong một thời gian dài trước đây - Ảnh: Reuters.Các cơ quan chuyên trách Đài Loan đã trực tiếp tiếp thị cho hàng chục thương hiệu nổi tiếng của vùng lãnh thổ này tại Việt Nam.

27 thương hiệu Đài Loan, trong đó, có rất nhiều sản phẩm đã có tên tuổi và thương hiện trên toàn cầu, điển hình như cái tên máy tính xách tay của Acer, Asus, các dòng điện thoại thông minh (smartphone) của HTC, hay các thương hiệu khác như TrendMicro, D-Link… đã được giới thiệu tại Hà Nội cuối tuần qua. Trước đó, ngày 17/9, các sản phẩm này cũng đã được tiếp thị tại Tp.HCM.

Thuộc dự án tiếp thị và truyền thông tích hợp cho các thương hiệu quốc tế Đài Loan (gọi tắt là dự án IMC), với sự chỉ đạo của Bộ Kinh tế Đài Loan (MOEA), do Hội đồng Phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITEA) thực hiện, chương trình trên nhằm quảng bá hình ảnh các thương hiệu công nghệ thông tin của Đài Loan tại các thị trường Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia.

Ông Wayne W. Wu, Phó chủ tịch Hội đồng Phát triển ngoại thương Đài Loan, phác thảo thành tích của “làng công nghệ” Đài Loan: “Đài Loan là vùng lãnh thổ với diện tích ít, dân số không nhiều, nhưng chúng tôi đang sở hữu hàng chục thương hiệu công nghệ mang tầm cỡ thế giới”.

Theo con số mà ông Wayne W. Wu đưa ra, thị phần máy tính xách tay và bo mạch do Đài Loan sản xuất đã chiếm tới 90% trên thị phần toàn cầu. Cụ thể hơn, trong 100 chiếc máy tính xách tay thì có tới 95 cái là do Đài Loan sản xuất hoặc Đài Loan đã góp phần vào sản xuất những sản phẩm đó.

“Trong tổng số 27 thương hiệu giới thiệu tại Việt Nam thì có tới 20 thương hiệu có giá trị thương hiệu quốc tế đạt trên 13 tỷ USD”, ông Wayne W. Wu nói.

Giám đốc Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, ông Huang Chih-Peng, cho biết, nhiều ngành công nghệ thông tin nổi tiếng khác của Đài Loan, trong những năm qua đã phát triển mạnh và chiếm tỷ lệ rất lớn trong việc gia công cho các tập đoàn công nghệ thông tin trên thế giới.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cái nghĩa “làng công nghệ” Đài Loan một thời “mai danh ẩn tích” chuyên đi làm gia công, làm thuê cho các hãng công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới đã không còn thực sự đúng nữa, khi mà, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên phát triển sản phẩm và tự làm chủ những thương hiệu quốc tế của mình.

Các thương hiệu tiêu biểu nhất, theo ông Wayne W. Wu, như máy tính xách tay Acer, Asus, điện thoại thông minh HTC..., tất cả đang chiếm một vị trí quan trọng trong từng phân khúc thị phần toàn cầu.

Theo số liệu nghiên cứu của Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, Việt Nam là thị trường mới nổi, dân số đông với 86 triệu dân, khoảng 70% tập trung ở khu vực nông thôn và 30% ở thành thị.

“Nếu dân số nông thôn của Việt Nam chuyển dần sang thành thị thì cơ hội phát triển cho ngành công nghệ thông tin là rất lớn. Khi đó, nhu cầu về sản phẩm công nghệ thông tin sẽ có nhiều thay đổi và ngày càng lớn. Đó cũng là cơ hội cho chúng ta”, ông Huang Chih-Peng phân tích.

Không những thế, ông còn đưa ra những nghiên cứu chi tiết thị trường của từng vùng miền tại Việt Nam để doanh nghiệp của Đài Loan nhìn nhận và nắm bắt cơ hội.

Theo ông, một đặc điểm của thị trường máy tính cá nhân của Việt Nam trong năm 2010 tại miền Bắc là các khối hành chính có nhu cầu khá cao, và đã hình thành những chuỗi cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, người tiêu dùng miền Bắc có tâm lý nghe theo lời tiếp thị, quảng cáo, ít tìm hiểu sâu về chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, thị trường miền Trung thì tương đối nhỏ, kinh doanh cá thể là chính.

Còn với khu vực miền Nam, người tiêu dùng tương đối quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, và đây cũng là nơi tập trung cung cấp các sản phẩm công nghệ cho cả nước, sản phẩm chủ yếu là do nhập khẩu, thông tin thị trường tương đối phong phú và thích hợp phát triển cho các sản phẩm mới.

Việc đưa ra những con số, dẫn chứng và phân tích như vậy, cho thấy một sự gắn kết khá chặt chẽ giữa cơ quan quản lý của Đài Loan và doanh nghiệp.

Trong bài tham luận ngắn gọn, ông Huang Chih-Peng, hơn một lần đã nhắn nhủ tới các doanh nghiệp Đài Loan: “Việt Nam là thị trường mới nổi và có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Đây là thị trường quan trọng, có nhu cầu to lớn và chúng ta không thể hình dung trong tương lai sẽ phát triển như thế nào”.

MẠNH CHUNG - VNECONOMY

Comments powered by CComment