Franchising: Hướng mới cho doanh nghiệp Việt

Chuyển nhượng quyền kinh doanh (franchising) được hiểu là quyền độc quyền do chủ sở hữu một nhãn hiệu hoặc tên thương mại cấp để kinh doanh hàng hoá và dịch vụ trong một khu vực nhất định.

Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây nhượng quyền kinh doanh đã được đề cập tới khá nhiều như một trong những phương thức kinh doanh mới. Trên thực tế phương thức kinh doanh này đã được một số DN áp dụng và bước đầu đã thu được những thành quả nhất định.

Tại các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, việc kinh doanh hàng hoá và dịch vụ thông qua hình thức franchising được áp dụng và phát triển khá mạnh mẽ từ những năm 1950. Cho đến nay, hình thức này đã trở nên phổ biến.

Thành công từ nhượng quyền kinh doanh

Xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng điều cơ bản nhất đem lại thành công là do franchising có sự kết hợp giữa kinh nghiệm, trình độ kinh doanh chuyên sâu và sức mạnh của một thương hiệu đã được đầu tư xây dựng lâu dài của bên cấp franchising, cộng với sự năng động của bên nhận franchising và việc tận dụng những điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực của nơi triển khai hệ thống franchising.

Phở 24 là một trong những ví dụ khá điển hình về hình thức nhượng quyền kinh doanh ở Việt Nam. Với ý tưởng xây dựng một thương hiệu mạnh tầm vóc quốc tế thông qua hệ thống chuỗi cửa hàng theo mô hình nhượng quyền, doanh nhân Lý Quý Trung cùng Tập đoàn Nam An đã mở cửa hàng kinh doanh phở đầu tiên tại TP HCM vào tháng 6/2003. Đến nay, Phở 24 đã có gần 50 cửa hàng tại TP HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu và tại một số nước trên thế giới như Indonesia, Singapore... Hình thức nhượng quyền của Phở 24 là nhượng quyền công thức kinh doanh, theo đó, bên được nhượng quyền được sử dụng thương hiệu Phở 24 và được bên nhượng quyền hướng dẫn, đào tạo chi tiết cách thức tổ chức, điều hành và quản lý cửa hàng phở theo đúng quy trình chuẩn.

Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tạo nền tảng cho việc nhượng quyền kinh doanh dài hạn, trong 2 năm đầu, Tập đoàn Nam An tập trung tạo dựng tính đồng bộ trong tất cả các khâu của hoạt động kinh doanh, áp dụng chặt chẽ quy trình chuẩn từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, chế biến nguyên liệu đến phong cách phục vụ và các yêu cầu về không gian cửa hàng nhằm đảm bảo đem đến cho khách hàng sự hài lòng khi thưởng thức phở. Ông Lý Quý Trung cho biết, Phở 24 đã thực hiện chặt chẽ các thủ tục pháp lý bằng cách tiến hành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu trong và ngoài nước, đầu tư chi phí luật sư tư vấn, soạn thảo hợp đồng nhượng quyền... Bên cạnh đó, Phở 24 cũng đã chuẩn bị các khâu tổ chức, đào tạo, huấn luyện để có thể hỗ trợ kịp thời cho bên được nhượng quyền kinh doanh nhằm đảm bảo hiệu quả của hoạt động này.

Bên được nhượng quyền phải trả cho chủ sở hữu thương hiệu Phở 24 một khoản phí ban đầu và khoản phí hàng tháng. Chí phí hàng tháng là chi phí sử dụng nhãn hiệu và những dịch vụ hỗ trợ khác từ phía chủ thương hiệu Phở 24 trong khoảng thời gian 5 năm. Đối với các cửa hàng được nhượng quyền, chủ sở hữu thương hiệu Phở 24 vẫn dành quyền giám sát và kiểm soát phương thức điều hành cửa hàng để uy tín của nhãn hiệu và tên thương mại Phở 24 vẫn được duy trì và giá trị của các các cửa hàng, mà thực chất là của toàn bộ hệ thống theo đó các cửa hàng Phở 24 hoạt động kinh doanh không bị suy giảm.
Có nhiều hình thức nhượng quyền kinh doanh để các DN (bên cấp quyền và bên nhận quyền) lựa chọn tuỳ thuộc vào đặc điểm riêng của mình (lĩnh vực hoạt động, quy mô DN, định hướng phát triển...).

Nhìn chung, những yếu tố cần được cân nhắc khi lựa chọn hình thức nhượng quyền bao gồm: lý do cấp quyền; khả năng, nguồn lực của bên cấp quyền; quy mô và các nguồn lực của bên nhận quyền và bản chất của thị trường nơi triển khai mô hình nhượng quyền (vị trí của thị trường trong nước hay nước ngoài, tầm quan trọng của nó đối với bên cấp quyền).

Để chuẩn bị các điều kiện triển khai phương thức nhượng quyền, tuỳ thuộc DN là bên nhượng quyền hay bên nhận nhượng quyền, các yếu tố cần chú trọng bao gồm:

Đối với bên nhượng quyền:

- Củng cố và định vị thương hiệu trong đó, yếu tố quyết định sự thành công của thương hiệu là sức sống của sản phẩm và sự công nhận của người tiêu dùng;

- Chú trọng phát triển hoạt động marketing để có thể tiếp cận và xây dựng hệ thống thị trường tiềm năng;

- Xây dựng mối quan hệ vững chắc với khách hàng nhằm tạo sự phát triển bền vững cho DN;

- Đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích của ngày càng nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước;

- Xây dựng và đào tạo chuyên sâu một đội ngũ cán bộ chủ chốt, có năng lực và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền, đủ sức quản lý và điều hành một cửa hàng nhượng quyền;

- Xây dựng các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ bên nhận quyền trong việc tổ chức quản lý và triển khai họat động kinh doanh.

Đối với bên nhận nhượng quyền:

- Đánh giá về tiềm năng, xu hướng phát triển của lĩnh vực kinh doanh cũng như của bên nhượng quyền;

- Nghiên cứu chính sách nhượng quyền của bên nhượng quyền;

- Nghiên cứu kỹ lưỡng (có thể thuê luật sư tư vấn) về các điều khoản trong hợp đồng nhượng quyền và các vấn đề cần được bên nhượng quyền hỗ trợ trong quá trình hoạt động;

- Lập chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh.

Theo nhận định của các chuyên gia, nhượng quyền kinh doanh được coi là "chất xúc tác" giúp nền kinh tế phát triển thông qua hình thức chuyển giao công nghệ từ các DN thành công trong và ngoài nước cho các DN sở tại. "Không có một quốc gia nào có nền kinh tế phát triển mà không cần đến sự góp sức năng động của mô hình nhượng quyền kinh doanh".

Trong điều kiện Việt Nam đang bắt đầu hoà mình vào biển lớn WTO, nhiều DN đã lựa chọn và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến hành phương thức kinh doanh nhượng quyền - một trong những phương thức kinh doanh có khả năng đem lại thành công lớn cho DN. Đây cũng được coi là một giải pháp hữu hiệu giúp các DN Việt Nam cùng đứng vững trên thương trường và cạnh tranh với các DN nước ngoài sẽ "đổ bộ" vào Việt Nam trong thời gian tới.

Là một thị trường bán lẻ được xếp thứ 3 thế giới với sức mua khoảng 21 tỷ USD; với khoảng gần 100 hệ thống nhượng quyền thương mại trên các lĩnh vực kinh doanh khác nhau đang được vận hành hiệu quả tại Việt Nam hiện nay với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 15-20%, hi vọng rằng phương thức kinh doanh nhượng quyền sẽ "bùng nổ" tại Việt Nam trong thời gian tới như nhận định của các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực này.

Theo DDDN

Comments powered by CComment