Marketing online- hình thức tiếp thị hiện đại & hiệu quả

Đã từ lâu, hình ảnh các bạn trẻ tay cầm các loại dầu gội đầu hay một chồng tờ rơi đi tiếp thị đã trở thành những hình ảnh quá đỗi quen thuộc với chúng ta và nó gắn liền với hai từ “tiếp thị”. Nhưng thời gian gần đây, hình ảnh đó không còn phổ biến như trước. Vậy phải chăng marketing đã đi xuống?

Câu trả lời là hoàn toàn không. Trái lại, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, marketing cũng từng bước phát triển hình thức mới hiện đại và hiệu quả hơn: Marketing trực tuyến.

marketing trực tiếp, online marketing

Marketing trực tiếp là gì?

Marketing trực tuyến (E-marketing; online marketing) là cách thức tiếp thị vận dụng các tính năng của Internet nhằm mục đích cuối cùng là phân phối được sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ đến thị trường tiêu thụ. Hoặc nói một cách đơn giản, Marketing trực tuyến là cách thức tiếp thị, quảng bá sản phẩm qua mạng Internet.

Là một hình thức tiếp thị, Marketing trực tuyến mang đầy đủ các đặc tính của một hình thức tiếp thị thông thường. Cũng phải tuân theo các chuẩn mực của tiếp thị nói chung, như: Sản phẩm – Giá thành - Xúc tiến thương mại - Thị trường tiêu thụ.

Điều khác biệt rõ rệt nhất có lẻ chỉ là môi trường tiếp thị. Nếu như trước đây, nói đến tiếp thị, người ta nghĩ đến những hình ảnh quảng cáo trên truyền hình, các biển quảng cáo được treo đầy trên các toà nhà cao ốc, hay gần gũi hơn là hình ảnh của các bạn sinh viên bấm chuông từng nhà để tiếp thị sản phẩm. Thì nay với Marketing trực tuyến, chúng ta sẽ có một cái nhìn khác về môi trường làm việc của tiếp thị. Chỉ cần một chiếc máy tính cá nhân, ở bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể làm công việc tiếp thị ưu thích của mình.

Ưu điểm của Marketing trực tuyến

Trước kia, để có được một kế hoạch tiếp thị, các doanh nghiệp thường phải khá vất vả. Đầu tiên là lên ý tưởng sao cho đủ hấp dẫn và thu hút được khách hàng (Đây là điều bắt buộc). Sau đó, để triển khai, doanh nghiệp lại phải đi liên hệ với các đài truyền hình, các nhà quản lý cao ốc cho xin đăng quảng cáo, hay tối thiểu cũng phải thuê người cầm tờ rơi đi quảng bá sản phẩm của mình. Còn với Marketing trực tuyến, thì ngoài việc lên ý tưởng, còn lại các công đoạn sau sẽ được thay thế chỉ với một cú click chuột. Thật quá tuyệt vời phải không? Biết bao chi phí, công sức, thời gian sẽ được cắt giảm và dĩ nhiên thời gian đầu tư vào việc lên ý tưởng sẽ nhiều hơn, và chất lượng quảng cáo nhờ vậy cũng được cải thiện đáng kể.

Ưu điểm của Marketing trực tuyến không chỉ dừng lại ở đó. Việc lên ý tưởng sẽ được thực hiện trên chính máy tính, do vậy bạn có thể dễ dàng cập nhật những ý tưởng mới nhất mà bạn vừa mới nghĩ ra trong buổi ăn trưa, trao đổi ý tưởng với cộng sự hay phân công công việc ở mọi lúc mọi nơi.

Nhược điểm của Marketing trực tuyến

Tuy nhiên, không có gì là toàn vẹn, tuyệt đối. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội nói trên, Marketing trực tuyến cũng không tránh khỏi một số nhược điểm sau:

Tiếp thị điện tử thường gặp khó khăn ở vấn đề cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của thị trường mục tiêu như số lượng người sử dụng Internet, mức độ sử dụng, tốc độ truy cập mạng…. Nếu cơ sở hạ tầng còn yếu kém thì người tiêu dùng không có nhiều cơ hội tiếp cận với mạng Internet, tìm thông tin trên mạng, mua hàng trực tuyến, tham giá đấu giá trên mạng, … Như vậy, Marketing trực tuyến khó có thể gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng ở thị trường đó.

Do vậy, không ít vấn đề nảy sinh trong bài toán tiếp thị qua mạng mà người làm marketing phải giải quyết, như khảo sát thị trường, tìm hiểu xem khách hàng sử dụng mặt hàng của mình có tần suất truy cập ra sao, hay truy cập các trang web nào, hình thức viết thư chào mời khách hàng ra sao, làm thế nào để gửi thư đến tận tay khách hàng mà không bị thất lạc, hoặc gửi nhầm.

Vậy, để có thể tận thực hiện Marketing trực tuyến hiệu quả, hãy chú ý đến 5 yếu tố dưới đây

1. XÂY DỰNG HÌNH ẢNH SẢN PHẨM

Càng nhiều người biết đến công ty và dịch vụ - sản phẩm mà bạn đang cung cấp, bạn càng có nhiếu cơ hội bán được hàng.

Để quảng bá sản phẩm, bạn sẽ phải thu hút và hướng khách vào thăm sản phẩm của mình từ những nguồn thích hợp. Chẳng hạn như đặt banner quảng cáo trên các trang Web khác hay đưa tên sản phẩm của bạn vào các công cụ tìm kiếm được ưa chuộng như Google, Lycos, Yahoo! hay Vinaseek của Việt Nam. Nên nhớ rằng thế giới trực tuyến là một chuỗi những cộng đồng liên kết chặt chẽ với nhau.

Ngoài ra, hãy liên hệ với các phóng viên báo chí trong và ngoài lãnh vực Internet mà có khả năng viết bài về ngành của bạn. Bạn có thể xây dựng một danh sách các mối quan hệ và gửi cho họ các thông tin thường xuyên, gửi email mời họ vào xem sản phẩm của bạn.

2. TƯƠNG TÁC TRỰC TIẾP

Ngoài việc xây dựng hình ảnh sản phẩm, nhiều chuyên gia tiếp thị muốn khuyến khích các hành động trực tiếp từ người truy cập. Kỹ thuật tương tác trực tiếp được sử dụng để khuyến khích người tiêu dùng đặt hàng, yêu cầu thêm thông tin, nhận điện thoại...Tiếp thị trực tiếp cũng cho phép việc theo dõi, kiểm tra các thông điệp bán hàng và khả năng bán hàng ngay một cách hiệu quả.

3. TRUYỀN ĐẠT THÔNG TIN

Bạn đã biết về tầm quan trọng của việc giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của bạn cho khách hàng tiềm năng. Nhưng trên mạng Internet, bạn phải cung cấp thêm thông tin. Để thành công trên Internet, bạn phải cung cấp thông tin và dịch vụ nhiều hơn so với các kênh khác. Người truy cập chỉ quay trở lại sản phẩm của bạn khi họ thấy được lợi ích nếu sở hữu sản phẩm của bạn.

Hãy giới thiệu hàng hoá càng chi tiết càng tốt. Khi mọi người hiểu rõ sản phẩm hay dịch vụ của bạn thì họ càng có xu hướng mua chúng. Nếu sở hữu sản phẩm và dịch vụ phức tạp hay trừu tượng, thì bạn nên tìm kiếm những cách thức sáng tạo để cho người tiêu dùng “trải nghiệm” mặt hàng. Làm theo phong cách độc đáo và vui nhộn để họ nhớ lâu.

4. THÔNG TIN PHẢN HỒI

Nghiên cứu thị trường trên Internet không chỉ rẻ mà còn giúp phát triển thị trường, điều chỉnh sàn phẩm, hoàn thiện dịch vụ khách hàng và sớm phát hiện ra các xu hướng và nhu cầu tiêu dùng mới. Do vậy, hãy sử dụng sản phẩm của bạn để tìm các thông tin phản hồi. Bạn có thể tìm hiểu xem khách hàng thích gì, ghét gì và thu thập các ý kiến đóng góp để hoàn thiện sản phẩm hay dịch vụ của mình.

Bạn nên thử tiến hành một cuộc nghiên cứu thị trường miễn phí hay chi phí không đáng kể trên sản phẩm để thu thập ý kiến cho các vấn đề tiếp thị. Những cuộc nghiên cứu thị trường như vậy nếu tiến hành theo các truyền thống thường tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và hàng tuần mới có kết quả.

Hơn thế, bạn cũng có thể sử dụng hàng trăm cơ sở sữ liệu trên mạng để tăng hiểu biết của mình về phân khúc thị trường mới hay sản phẩm mới.

5. TẦM QUAN TRỌNG CỦA NỘI DUNG

Nội dung là yếu tố quyết định thành công trên Internet. Đó là “món chính” của sản phẩm của bạn. (Mẫu mã thiết kế hay hình ảnh sinh động chỉ là “món tráng miệng” mà thôi). Để thu hút mọi người vào xem sản phẩm, bạn phải đưa ra được những thông tin thích hợp được vào đúng thời điểm và đúng cách.

Bạn phải cân nhắc xem người truy cập muốn biết thông tin gì về công ty bạn. Có lẽ, họ không mấy quan tâm đến lịch sử công ty cách đây hàng chục năm, mà họ muốn biết những xu hướng mới trong ngành của bạn, các bí quyết hữu ích, các hướng dẫn liên quan đến sản phẩm và dịch vụ của bạn hay xem những nguồn thông tin thực tiễn khác.

Rõ ràng, bạn cần khéo léo hướng các thông tin này về sản phẩm cần quảng bá, sao cho thông tin được truyền tải thật tự nhiên. Nên bố trí một vài người chuyên chịu trách nhiệm về cập nhât nội dung. Họ có thể nhờ những người khác trong các bộ phận liên quan giúp họ viết ra nội dung cụ thể. Nhưng phải có một người chịu trách nhiệm sau cùng. Cuối cùng, bạn phải cân nhắc xem sản phẩm của mình nên cập nhật theo thời gian như thế nào – hàng ngày, hàng tuần, hay hàng tháng.

Theo Saga biên dịch và tổng hợp

Comments powered by CComment