Đưa thông điệp: Nói thật hay 'chém gió'?

thongdiepThông điệp được đưa ra không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả như ý. Mặc dù trong lâu dài, thông điệp tích cực sẽ đem lại chiến thắng nhưng thực tế, sự tiêu cực đôi khi lại về nhất trong thời gian ngắn.

Có những thông điệp mang lại hiệu quả, trong khi một số khác thì không. Có những thông điệp làm tăng thêm sự ủng hộ, trong khi số khác lại làm mất đi sự tín nhiệm. Một số thông điệp tồn tại mãi mãi, trong khi một số khác lại phai nhạt dần, thậm chí phai nhạt hoàn toàn ngay cả trước khi có khán giả rời hội thảo. Liệu những thủ thuật mài giũa thông điệp có đem lại hiệu quả khi áp dụng vào việc truyền đạt quan điểm đến đúng đối tượng người nghe hay không? Dưới đây là một số lời khuyên cơ bản:

-Thông điệp nên phản ánh chân thực suy nghĩ và xúc cảm của đối tượng bạn muốn thuyết phục.

Tất cả những người bán hàng thành công đều hiểu rõ điều này. Con người dễ lĩnh hội và phản ứng mau lẹ, nhiệt tình trước những gì thể hiện sự đồng cảm.

Trên thực tế, các nhà khoa học gọi đây là hiện tượng “tế bào thần kinh phản chiếu”. Cạm bẫy ở đây chính là, nếu phản ánh một cách bất hợp lý thì chúng ta sẽ đẩy những người khác vào tư thế phòng vệ. Hậu quả là những người này sẽ đón nhận mọi người xung quanh như những kẻ ngoài cuộc xâm phạm đời sống riêng tư hoặc sử dụng mánh khóe để lôi kéo người khác.

Cựu tổng thống Bill Clinton từng tỏ ra rất điêu luyện trong việc sử dụng thủ thuật phản chiếu, bằng cách đưa ra thông điệp “I feel your pain” – Tôi cảm nhận được nỗi đau của các bạn.

-Về lâu dài, sự tích cực sẽ đánh bại sự tiêu cực.

Ronald Reagan, người được mệnh danh là nhà truyền thông vĩ đại, đã phát hiện ra sự thật này. Có thể đây là lý do tại sao ông luôn né tránh vai trò sứ giả truyền đi những thông điệp tiêu cực hay tham gia những cuộc đối đầu.

Ở thời điểm đầu trong giai đoạn 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, khi các thông điệp của Tổng thống Barack Obama bị cho là bi quan, chắc hẳn ông đã nhận được lời khuyên là nên lạc quan hơn. Và trên thực tế, ngay lập tức, những thông điệp của ông trở nên tràn đầy lạc quan và hy vọng.

-Tuy nhiên, về ngắn hạn, sự tiêu cực có thể đem lại hiệu quả. 

Ban đầu những thông tin truyền thông dựa trên nỗi sợ hãi và sự ghét bỏ có thể nhận được rất nhiều sự chú ý. Đây cũng chính là cách những nhân vật nổi tiếng như Huey Long giành được quyền lực.

Tuy nhiên những quan điểm chính trị mang tính công kích sẽ không đem lại hiệu quả về lâu dài. Người nghe sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức để lĩnh hội những thông điệp tiêu cực, do vậy họ có thể trở nên mệt mỏi và quay sang thù địch người lãnh đạo.

-Từ nội dung cốt lõi của thông điệp chung, bạn nên thiết kế từng chủ đề riêng cho từng nhóm đối tượng khác nhau.

Ngày nay là kỷ nguyên của sự đa dạng về mặt giá trị cũng như phong cách sống. Những người cùng thuộc một nhóm đối tượng đông đảo hiếm khi giống nhau ở mọi đặc điểm. Sẽ chẳng khác nào bạn buộc những thông điệp của mình phải “tự sát” nếu chỉ tập trung vào những đối tượng ở “vùng trung tâm Bắc Mỹ”, “những người trên 55 tuổi” hoặc “những người thất nghiệp”.

Tuy nhiên, nội dung của những thông điệp phải hoàn toàn và ăn nhập với thông điệp chung. Những thông điệp phụ này nên được thiết kế như những biến thể về cùng một chủ đề. Các phương tiện truyền thông sẽ chú ý đến những thông điệp đa dạng cũng như những ý kiến trái chiều với chúng.

-Thông điệp cần đơn giản và ngắn gọn nhất có thể, rõ ràng chi tiết, cuốn hút, không nhàm chán và dựa trên những trải nghiệm nhân văn.

Các thế hệ học sinh/sinh viên cũng được dạy những bài học tương tự, bởi đây chính là cách truyền đạt của một bài diễn thuyết.

Tổng thống Cuba Fidel Castro đã trở thành trò cười của thế giới khi ông không tuân thủ bất kỳ một quy tắc nào trong những quy tắc trên trong một bài diễn thuyêt kéo dài ba-bốn tiếng đồng hồ của mình.

-Thông điệp cần chính xác ngay từ đầu.

Việc thay đổi thông điệp cũng giống như thay đổi thương hiệu, là dấu hiệu bất thường trong cái nhìn của đám đông. Đây cũng là một công việc khó khăn và thường không thành công. Đó chính là lý do khiến việc nghiên cứu lại đóng vai trò quan trọng và cần thiết đến vậy, đồng thời giải thích cho việc tại sao các thủ thuật được sử dụng đều nên hướng đến mục tiêu thử nghiệm với thông điệp.

Kỳ Anh

Theo TTVN/Trích cuốn PR theo kiểu Mỹ

Comments powered by CComment