Quảng cáo ngoài trời “diễn xiếc trên dây”

qcngoaitroiNếu như năm 2002, nước ta mới có trên 1.000 doanh nghiệp quảng cáo thì hiện nay con số này là 7.000 doanh nghiệp.

Đã có 30 doanh nghiệp quảng cáo có yếu tố nước ngoài và trên 30 văn phòng đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài hoạt động tại nước ta, góp phần làm cho hoạt động quảng cáo thêm sôi động, đồng thời, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với công nghệ tiên tiến, học hỏi được nhiều kinh nghiệm.

Đa số các doanh nghiệp làm quảng cáo ngoài trời, một số ít doanh nghiệp đã vươn lên nhờ tính chuyên nghiệp, tăng cường đầu tư và đổi mới công nghệ. Theo số liệu thống kê của Công ty truyền thông TNS Media Việt Nam, doanh thu ngành quảng cáo tăng từ 550 triệu USD năm 2008 lên 736 triệu USD năm 2009 và vượt qua 1 tỷ USD năm 2011. Trong đó, quảng cáo ngoài trời chiếm khoảng 10% doanh số quảng cáo.

Quảng cáo ngoài trời ngày càng đa dạng đến mức các quy định của pháp luật không theo kịp. Thỉnh thoảng người qua đường lại bắt gặp một đoàn xe mô-tô mới coong diễu hành trên đường, nam thanh nữ tú điều khiển xe mặc đồng phục trông rất bắt mắt, trên xe buộc các loại cờ xanh đỏ tím vàng lòe loẹt có ghi tên sản phẩm như “Suzuki”, “Honda Vision”… Đó là quảng cáo đoàn người, một hình thức quảng cáo chưa từng được quy định trong bất cứ văn bản nào. Còn ở các tòa cao ốc, nhân viên làm quảng cáo trổ tài leo trèo, khó chừng nào họ cũng gắn cho được biển quảng cáo lên các mặt tiền đẹp hay trên nóc của các tòa nhà. Trông họ đu người trong không trung lắp bảng điện tử, người ta liên tưởng đến những diễn viên xiếc hay những cascadeur trong phim ảnh. Nhưng làm xiếc giỏi nhất phải kể đến các ông chủ hãng quảng cáo, vì họ lách được đủ thứ luật, vi phạm đủ thứ quy định về y tế, văn hóa, thương mại mà vẫn cắm được biển quảng cáo tấm lớn không phép dọc theo những đại lộ lớn như Pháp Vân – Cầu Giẽ, hay Bắc Thăng Long – Nội Bài (Hà Nội).

Gần đây, quảng cáo ngoài trời đã chui cả vào trong nhà. Người ta dễ dàng bắt gặp quảng cáo trong thang máy, siêu thị, rạp chiếu phim, tiền sảnh ..., quảng cáo rao vặt, quảng cáo cột điện, bờ tường, áo mưa, mũ bảo hiểm, phát tờ rơi … rất nghiệp dư. Tại nhiều đô thị lớn, đặc biệt là các cửa ngõ vào đô thị và các nút giao thông, tình trạng quảng cáo lộn xộn, mất mỹ quan vẫn còn phổ biến. Mặc dù đã được chấn chỉnh nhiều, nhưng việc lắp dựng bảng quảng cáo, băng rôn, biển hiệu sai kích thước, sai vị trí đã phê duyệt vẫn xảy ra thường xuyên. Tại trung tâm các đô thị, băng rôn, áp phích được treo cả trên cây, cột điện, thậm chí giăng cả trên dây điện. Không ít bảng quảng cáo, băng rôn hết hạn quảng cáo nhưng không được tháo dỡ kịp thời, bụi bẩn, hư hỏng, trông rất nhếch nhác. Nhiều cửa hàng còn tận dụng đặt thêm biển hiệu ở vỉa hè, lòng đường, dải phân cách, cột điện, cành cây, tường nhà,… Không ít bảng, biển quảng cáo có nội dung phản cảm. Một số bảng, biển quảng cáo mang tính cạnh tranh thiếu lành mạnh. Việc viết sai chính tả trên bảng quảng cáo, băng rôn, biển hiệu diễn ra khá phổ biến. Nhiều bảng quảng cáo, biển hiệu chỉ viết bằng tiếng nước ngoài, trái với quy định của pháp luật.

Gây bức xúc hơn cả là quảng cáo rao vặt với loa đài,ồn ào, tờ rơi tờ gấp rải khắp mọi nơi và điều đặc biệt gây khó chịu cho cư dân đô thị là việc dán, sơn những mẩu quảng cáo nhỏ in kèm số điện thoại ở tất cả các bức tường nhà riêng, nơi công cộng … Gần đây, một số địa phương đã ra văn bản chỉ đạo quản lý hoạt động này, xử lý các trường hợp quảng cáo rao vặt sai quy định, tổ chức các đợt ra quân bóc gỡ, tẩy xóa các quảng cáo rao vặt trên tường nhà và nơi công cộng. Một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng … nhận thức quảng cáo rao vặt là nhu cầu thiết yếu của người dân, đã quy hoạch một số điểm dành riêng cho quảng cáo rao vặt, kêu gọi xã hội hóa để làm những công trình cho người dân đăng quảng cáo miễn phí. Tuy nhiên, do chủ trương của địa phương thiếu nhất quán, một số dự án xã hội hóa hiện nay đang bị ách tắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhìn chung, đa số các doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam có quy mô nhỏ, chủ yếu làm gia công in ấn, kẻ vẽ bảng quảng cáo, biển hiệu hoặc tổ chức sự kiện. Do hạn chế về năng lực và thiếu tính chuyên nghiệp, nên mặc dù số lượng các công ty quảng cáo rất lớn, nhưng thị phần quảng cáo chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại thuộc về các công ty nước ngoài. Nói về tính chuyên nghiệp trong quảng cáo, hãy xem công ty Vinastar (Mỹ) trình làng dịch vụ quảng cáo rong với nhân viên đeo màn hình Pixman 17 inch tại các hội chợ, hay cách thức quảng cáo của các thương hiệu thời trang quốc tế như Gucci, Louis Vuitton, Mango …với các áp phích quảng cáo ấn tượng mới thấy khoảng cách lớn giữa tính nghiệp dư và chuyên nghiệp.

Cần “liều thuốc” kích thích tăng trưởng

Nguyên nhân của cách làm thiếu tính chuyên nghiệp là do hoạt động quảng cáo luôn phát sinh những phương tiện, hình thức quảng cáo mới mà quy định của pháp luật không theo kịp. Việc tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng quy định tại các văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tại một số địa phương còn yếu, dẫn đến tình trạng có văn bản cấp dưới trái với văn bản cấp trên, một số quy định do địa phương ban hành gây khó khăn phiền hà cho tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo. Tại một số địa phương, việc triển khai tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo chưa được tiến hành thường xuyên do lực lượng cán bộ thanh tra còn thiếu, dẫn đến tình trạng một số vi phạm về quảng cáo chưa được xử lý kịp thời.

Cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về kích cỡ, hình thức và chất liệu của các phương tiện quảng cáo ngoài trời, nên sự phát triển này mang nặng tính tự phát, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đầu tư thỏa đáng cho nội dung quảng cáo ngoài trời, phổ biến vẫn sử dụng biểu tượng, khẩu hiệu, hình ảnh sản phẩm… khiến cho hiệu quả truyền thông giảm sút. Chưa kể thủ tục xin được cấp giấy phép lắp đặt bảng quảng cáo ngoài trời cũng rầy rà, doanh nghiệp phải có kiếm đủ hàng chục giấy phép mới được tiến hành. Có giấy phép, nhưng chưa có quy hoạch đất quảng cáo thì rủi ro còn không ít. Quảng cáo ngoài trời phụ thuộc nhiều vào quy hoạch quảng cáo của các địa phương, nhưng đến nay toàn quốc mới có 36 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời, trong đó, chất lượng quy hoạch của nhiều tỉnh, thành chưa cao. Hơn nữa, nhân lực của ngành công nghiệp quảng cáo quá ít so với tốc độ phát triển, hiện nay chỉ có trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội có bộ môn quảng cáo được giảng dạy tại khoa Marketing.

Để khắc phục những hạn chế trong hoạt động quảng cáo ngoài trời và tạo điều kiện cho loại hình kinh tế này phát triển, cần thống nhất quy định trong các văn bản pháp luật trong Luật Quảng cáo đang được Quốc hội cho ý kiến, thống nhất và củng cố bộ máy quản lý nhà nước về quảng cáo. Các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch quảng cáo, song song với tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời Nhà nước cũng phải quan tâm mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động quảng cáo, biến nó thành một hoạt động kinh tế mũi nhọn mà đầu tàu phải là các doanh nghiệp trong nước.

HÀ HỒNG HÀ

Theo Báo Nhân Dân Điện Tử

Comments powered by CComment