Quảng cáo cũng cần có văn hóa

quangcaovanhoaQuảng cáo lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Lê Anh.Quảng cáo ngoài trời gắn liền với sự phát triển của đô thị. Nhưng hiện nay, hình thức quảng cáo này đang phát triển một cách tự phát và bị lạm dụng một cách thiếu văn hóa, trở thành “thảm họa” của bộ mặt đô thị…

Loạn quảng cáo

Trong thời buổi nền kinh tế thị trường, muốn tồn tại, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ nhỏ đến lớn xem quảng cáo là cách nhanh nhất để quảng bá thương hiệu rộng rãi. Ngoài việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, thì quảng cáo ngoài trời được lựa chọn vì những tiện ích “rẻ, nhanh, rộng rãi”.

Không nằm ngoài quy luật đó, tất cả các trung tâm huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, đâu đâu cũng xuất hiện những bảng quảng cáo tự phát đủ các kiểu, từ hộp đèn, bảng chiếu điện tử, poster, baner, băng rôn đến loại hình quảng cáo phổ biến, tốn ít chi phí gọi là “quảng cáo rác”… dưới hình thức dán trên các cột đèn giao thông, trụ điện, thân cây, tường rào… ở đâu có chỗ trống, vị trí thuận lợi, tập trung đông dân cư là có quảng cáo, rao vặt.

Đi dọc các tuyến đường trong TP. Pleiku, hầu như nơi nào cũng xuất hiện mẩu giấy hoặc những dòng chữ được sơn lên tường để quảng cáo rút hầm cầu, khoan cắt bê tông, đào giếng, bán nhà, cho thuê phòng trọ… hỗn độn, chồng chéo nhau trông nhếch nhác, mất thẩm mỹ. Ngoài ra còn phải kể đến hình thức quảng cáo đang thịnh hành bằng cách phát tờ rơi, địa điểm được chọn là các nơi có đèn tín hiệu giao thông. Hễ có đèn đỏ, là các nhân viên quảng cáo phi ngay xuống đường, dúi vào tay người đi đường mẫu quảng cáo. Những người có ý thức hay quan tâm đến nội dung thì giữ lại, còn ai không quan tâm thì chọn cách… vứt xuống đất, nên chẳng bao lâu những ngã ba, ngã tư trở thành bãi rác. Chưa kể những nội dung quảng cáo hấp dẫn của nhiều cơ sở kinh doanh không đi cùng chất lượng của sản phẩm. Việc quảng cáo trái phép, ngoài việc mất mỹ quan đô thị còn gây mất an toàn giao thông như các bảng hiệu quảng cáo lớn che khuất tầm nhìn, để biển quảng cáo lấn chiếm vỉa hè, tập trung ở các tuyến phố chính.

Vẫn biết quảng cáo là nhu cầu tất yếu để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, nhưng quảng cáo cũng cần phải có văn hóa. Vì bộ mặt đô thị một phần thể hiện nếp sống văn hóa, văn minh của người dân bản địa.

Cần xử lý nghiêm

2b61c images641314 2 quang cao Quảng cáo cũng cần có văn hóa

Thông tin quảng cáo rác. Ảnh: Lê Anh

Để “rửa mặt” cho đô thị, thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tăng cường công tác kiểm tra xử lý các hình thức quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật, nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nay Kỳ Hiệp-Chánh Thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: “Việc quản lý các hình thức quảng cáo trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây được thực hiện khá tốt và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, trong đó vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là “quảng cáo rác” như phát tờ rơi, dán mẫu quảng cáo lên trụ điện, thân cây… và các biển quảng cáo đặt không đúng nơi quy định. Hình thức quảng cáo này diễn ra rộng khắp ở các trung tâm thị trấn, thị xã, thành phố, các đối tượng hoạt động lén lút, nên khó phát hiện. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương chưa đồng bộ. Thậm chí, có nơi còn buông lỏng với các hình thức “quảng cáo rác”…”.

Trong Pháp lệnh Quảng cáo, tại Điều 5, khoản 5 ghi rõ: Nghiêm cấm các hành vi quảng cáo làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan, môi trường và trật tự an toàn giao thông. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP, ngày 12-7-2010, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Theo điều 33, mức xử phạt với hành vi vi phạm các quy định về viết, đặt biển hiệu không đúng quy định từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng; buộc phải tháo dỡ biển hiệu đối với các hành vi treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu không sát cổng hoặc mặt trước trụ sở của cơ quan, tổ chức, khách sạn, cửa hàng, cửa hiệu hoặc có biển hiệu quá số lượng cho phép. Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu làm mất mỹ quan đô thị…

Dù đã có những quy định rõ ràng, nhưng hiện nay việc xử phạt vẫn chưa được thực hiện tốt, các lỗi vi phạm về quảng cáo vẫn còn tồn tại rất nhiều trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức cho người dân còn thiếu. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm thì quảng cáo trái phép sẽ biến thành… “thảm họa của đô thị”.

Lê Anh

Theo iGialai

Comments powered by CComment