Warning: Attempt to read property "image_intro" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Warning: Attempt to read property "image_fulltext" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Nhà báo làm công cụ quảng cáo, nên hay không?

reporters

SGTT.VN - Hiện tượng một số phóng viên báo, tạp chí sử dụng blog, trang mạng xã hội cá nhân để quảng cáo cho các sản phẩm, công ty nào đó và nhận tiền thù lao tuy chưa phải là một hiện tượng phổ biến, nhưng đáng báo động.

Nguyên tắc hàng đầu trong công việc của người viết báo là phản ánh sự thật một cách trung thực để người đọc có đủ thông tin và đưa ra phán xét riêng của họ. Song song với việc phản ánh sự thật, khi trình bày quan điểm, nhà báo bắt buộc phải đưa ra những thông tin xác đáng, tin cậy để thuyết phục bạn đọc. Nhà báo không thể và không nên sử dụng ưu thế, vị trí cũng như uy tín của mình để đưa ra những thông tin mang tính quảng cáo với mục đích làm lợi cho bản thân.

Luật và đạo đức của nhà báo

Sinh viên theo học tại các trường đại học báo chí hàng đầu trên thế giới thường phải bắt đầu chương trình học của họ bằng bài học về “luật và đạo đức” của người làm báo. Người làm báo phải hiểu rõ luật báo chí để biết khuôn khổ hành nghề của mình. Họ cũng phải hiểu các ranh giới về đạo đức nghề nghiệp, mặc dù đạo đức là một phạm trù phức tạp, không phải lúc nào cũng rõ ràng trắng đen.

Các tổ chức báo chí lớn đều có những quy định khá rõ ràng về vấn đề này. Chẳng hạn như tờ New York Times quy định phóng viên viết về kinh tế tài chính không được mua cổ phiếu ở những công ty mà họ viết. Vì thế, những nhà báo muốn đầu tư cổ phiếu thường phải chọn cách đầu tư qua các quỹ thay vì mua trực tiếp cổ phiếu. Hoặc nếu có mua, họ phải tránh mua các cổ phiếu của các công ty họ đang theo dõi viết bài.

Việc phóng viên sử dụng bài báo của mình để đưa thông tin có lợi cho một cá nhân, tổ chức rồi sau đó lại nhận thù lao từ những đối tượng đó lại càng không được phép. Đa số các tờ báo có uy tín ở Việt Nam quy định khá rõ về vấn đề này, coi đây là một nguyên tắc không khoan nhượng của tờ báo. Mặc dù vậy, kiểm soát vấn đề này không phải là dễ dàng, và phụ thuộc nhiều vào uy tín, cũng như sự chân thành của nhà báo đối với tổ chức báo chí của mình. Ngay cả những tờ báo lớn cũng từng để lọt hiện tượng này.

Đừng thoả hiệp uy tín!

Luật chưa phủ tới

Về mặt pháp lý, theo rà soát của chúng tôi, các văn bản về quản lý internet và mạng xã hội hiện nay, bao gồm luật Công nghệ thông tin năm 2006 và nghị định 97/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet, chưa có quy định cụ thể về quản lý thu nhập xuất phát từ internet và mạng xã hội. Đây có thể là vấn đề sẽ còn cần phải xem xét. Một điều rõ ràng, là để công bằng với người tiêu dùng, mọi hình thức quảng cáo, hỗ trợ sản phẩm có nhận tiền phải được công khai. Tại Anh, mới đây văn phòng về Thương mại bình đẳng (Office of Fair Trade) đã tuyên chiến với các nhân vật nổi tiếng nhận tiền của các công ty quảng cáo, PR để viết những câu “đánh bóng sản phẩm” trên các trang mạng xã hội như Twitter mà không nói rõ là họ nhận tiền để làm việc đó. Đây cũng đang là một vấn đề đáng lưu ý ở Việt Nam.

Hiện nay, sự phát triển của mạng xã hội và việc những phóng viên viết bài và kiếm tiền từ những trang web cá nhân của họ đưa ra một thách thức mới với tổ chức báo chí cũng như cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, quảng cáo. Về cơ bản, các toà soạn báo khó có thể kiểm soát các nhà báo viết gì trên những trang viết cá nhân trên internet, không phải là sản phẩm của tờ báo. Và có vẻ như tờ báo cũng khó có thể cấm phóng viên nhận tiền từ những trang mạng xã hội, vì như một số người tuyên bố: họ đứng tên cá nhân, sử dụng uy tín cá nhân của họ, không mắc mớ gì đến cơ quan, thì tại sao lại không làm?

Điều mà những cây viết này không nhận ra là, bằng việc sử dụng uy tín cá nhân để làm công cụ quảng cáo, họ đang thoả hiệp uy tín của chính bản thân. Nhà báo xây dựng uy tín bằng những bài viết trung thực, đầy đủ, sâu sắc, không vụ lợi. Khi bạn đọc, công chúng phát hiện ra rằng họ nhận tiền từ những bài viết này, uy tín nghề nghiệp của họ sụt giảm, và uy tín cá nhân cũng có thể bị mai một. Bạn đọc sẽ nghi ngờ các bài viết khác, kể cả khi phóng viên viết mà không nhận tiền riêng như vậy. Đây không chỉ là tổn thất cho riêng phóng viên mà cả cho cơ quan báo chí cho họ làm việc. Bản thân các tờ báo, theo quy định của pháp luật về quảng cáo, vì những lý do như vậy, các tờ báo hoàn toàn có quyền đặt ra quy định cấm phóng viên của mình viết bài để kiếm tiền theo hình thức này. Hiện tượng mạng xã hội còn khá mới mẻ cho nên đa số các cơ quan báo chí chưa đưa ra quy định rõ ràng về vấn đề này.

Lan Anh

Comments powered by CComment