Thiết kế danh thiếp, làm sao cho sáng tạo?

(MCL) Tôi đã làm qua nhiều công ty, số lượng danh thiếp của tôi cũng tăng theo cấp số cộng, chưa kể một công ty có hai ba danh thiếp với các chức danh khác nhau hoặc là cứ mỗi năm thì thích đổi mẫu một lần cho “lạ lạ”.

Điều tôi băn khoăn là, danh thiếp có phải là một công cụ marketing hữu ích cho chúng tôi – những người làm công tác ngoại giao, quan hệ công chúng hay không? Bên cạnh đó, danh thiếp phải được thiết kế như thế nào thì có lợi cho doanh nghiệp? Thế là tôi tìm hiểu. Kể ra, tôi cũng thu được nhiều ý kiến và suy nghĩ có thể viết ra để chúng ta cùng tham khảo.

Thứ nhất, danh thiếp nên có kích thước nào? 9x5.5 cm hay là 9x5 cm? Ở đây tôi không đề cập đến việc thiết kế đó là ngang hay dọc, bởi đó là chủ ý riêng của mỗi doanh nghiệp và cũng là văn hóa của từng công ty. Cái tôi nói là kích thước nào thì vừa tay hơn? 0.5 cm chỉ là một con số nhỏ, nhưng nó vẫn luôn làm tôi cảm thấy thắc mắc. Sau cùng tôi rút ra một kết luận rằng, nếu ta thường xuyên làm việc với người Châu Á thì nên chọn kích thước nhỏ và với người Phương Tây thì chọn kích thước lớn bởi đơn giản là kích thước bàn tay của họ về cơ bản có sự khác nhau, và quan điểm về kích thước của họ cũng khác nhau. Có lẽ đây không phải là một điều quá to tát và cần phải lưu ý nên tôi vẫn cứ tự cười mình sao lại nhỏ nhặt như thế…

Điều thứ hai tôi quan tâm là cảm giác của đối phương khi tôi đưa danh thiếp cho họ. Bởi suy cho cùng, chúng ta thiết kế danh thiếp đâu phải để tự mình chiêm ngưỡng nó đúng không? Tôi đã từng đưa hai cái danh thiếp của một công ty cho cùng một người, chỉ đơn giản là khác nhau về mặt thiết kế. Cái đầu tiên có hai mặt, mỗi mặt là một dự án của công ty tôi, mỗi mặt là một logo, màu sắc tối. Cái thứ hai, lấy màu trắng chủ đạo ở cả hai mặt, một mặt là logo của công ty, một mặt chọn kiểu typography đoạn văn giới thiệu về tôi và công ty tôi. Đối với cái đầu tiên người bạn tôi hỏi ngay ”Đây là danh thiếp cá nhân của em à?” Tôi bảo không thì người bạn phì cười”Tại anh thấy có hai cái logo, cứ tưởng em làm freelance cho cả hai công ty”. Thế là tôi mất thêm hai phút thuyết minh cho anh ấy hiểu rằng tôi đang làm cái gì ở hai cái “công ty” ấy. Đối với cái thứ hai (dĩ nhiên là cách một thời gian nhé, tôi thử nghiệm mà!), người bạn ấy phản ứng hoàn toàn khác, anh ấy chăm chú đọc đoạn typography rồi hỏi tôi “Danh thiếp này lạ đấy, nhưng mà rõ ràng, ai thiết kế thế em?”. Lần này tôi phì cười “Nói ra để anh bắt gà à?”.

Vậy đấy, tôi hiểu được rằng, danh thiếp quan trọng nhất không phải là đẹp, mà là phải sáng sủa rõ ràng, để nó có thể làm đúng chức năng của nó. Marco Van Aggele, tổng giám đốc điều hành tập đoàn quản lí bất động sản và bất động sản du lịch Serenity Holding đã nói với tôi về danh thiếp của công ty ông ấy như thế này “Chúng tôi sở hữu 2 thương hiệu chính là Fusion và M2Boutique. Chính vì đặc điểm này, khách hàng thường có sự nhầm lẫn chúng tôi là một công ty thiết kế, một đại diện bán hàng,  hoặc một công ty quản lý hay nhầm lẫn về mối liên hệ giữa Serenity và các thương hiệu của công ty. 

Thông thường, những thông tin giới thiệu tóm tắt về công ty sẽ xuất hiện trên brochure. Tại Việt Nam, một trong những cách thức trao đổi thông tin phổ biến chính là qua danh thiếp. Do đó chúng tôi đã tận dụng công cụ này để truyền tải thông điệp về công ty một cách ngắn gọn nhất.

Từ đó tôi đã có ý tưởng lồng ghép thông tin giới thiệu về công ty với thông tin của người chủ danh thiếp một cách khéo léo. Bằng cách nhấn mạnh các chi tiết thường thấy trên một tờ danh thiếp như tên, trang web, số điện thoại, email, tấm danh thiếp đã làm tròn vai trò của mình. Nhưng nếu nhìn kĩ hơn, bạn sẽ thấy rõ thông tin giới thiệu về công ty!

Tấm danh thiếp đã mang tới sự ngạc nhiên cho nhiều người và tạo ra một tác động tích cực lên suy nghĩ của khách hàng về khả năng sáng tạo, môt phần rất quan trọng cấu thành nên dịch vụ của chúng tôi. Hầu như tất cả mọi người đều hiểu rõ thông điệp chúng tôi muốn truyền tải, còn với những ai chưa, thì tấm danh thiếp sẽ là “tách trà” khởi đầu câu chuyên.”

Cuối cùng, tôi cho rằng dù ta chọn kích thước nào, thiết kế ra sao, thì ta cũng phải để tấm danh thiếp đảm bảo được chức năng của nó. Đó là truyền tải được thông tin và giúp đối phương ghi nhớ cũng như hiểu rõ về ta và những gì công ty ta muốn truyền đến họ. Việc này cũng giống như là đang phân tích về nên tốt gỗ hay nên tốt nước sơn vậy, tôi thì tôi cho rằng cái gì cũng nên vừa phải, gia giảm đúng lúc, kết hợp hài hòa cũng như là gỗ tốt mà sơn cũng tốt…Phải không nhỉ?....

Phạm Vũ Hoàng Quân

Comments powered by CComment