Warning: Attempt to read property "image_intro" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Warning: Attempt to read property "image_fulltext" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Quản trị DNNN: Hãy học Warren Buffett

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những nguyên tắc đầu tư theo giá trị và nghệ thuật quản lý danh mục đầu tư của Buffett để quản lý hiệu quả khối DNNN.



LTS: Thắt chặt chi tiêu, đầu tư công là một trong những biện pháp quan trọng của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô năm 2011.

Đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh sòng phẳng

Theo số liệu của Bộ Tài chính, các tập đoàn kinh tế cùng với tổng công ty đang nắm giữ 75% tài sản cố định của quốc gia và khoảng 60% tổng nguồn tín dụng ngân hàng, chưa kể nhiều ưu đãi khác trong việc tiếp cận các nguồn lực kinh tế - xã hội.

DNNN có nhiệm vụ là các chủ lực tạo ra của cải xã hội, thông qua kiểm soát các nguồn lực kinh tế để làm các nhiệm vụ định hướng phát triển và kiểm soát tình hình kinh tế quốc gia.

Khối DNNN còn đang đảm nhận các nhiệm vụ chính trị xã hội thông qua các dịch vụ công ích, "bà đỡ" cho những vùng khó khăn. Nắm nguồn lực lớn của đất nước, song, hiệu quả hoạt động của các DNNN đang là vấn đề lớn cần xem xét. Thực chất, DNNN chính là các tổ chức kinh tế thuộc sở hữu toàn dân, do đó đòi hỏi phải có cơ chế giám sát phù hợp, chuẩn mực điều hành và hoạt động tài chính đầu tư hiệu quả.

Với trách nhiệm quản lý khối DNNN với các nhiệm vụ và lĩnh vực đa dạng, Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT cần phải kiểm soát và nắm được các số liệu hoạt động của khối DNNN một cách kịp thời và chính xác.

Thông qua đó, các Bộ chủ quản có thể đề ra chính sách quản lý và định hướng một cách hiệu quả. Khi Việt Nam có đơn vị quản lý vốn đầu tư tương đương trình độ như Temasek - Công ty quản lý đầu tư Quốc gia Singapore, hoàn toàn có thể chủ động tham gia sâu hơn vào công tác lãnh đạo và quản lý các DNNN.

Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu vào WTO, yêu cầu DNNN phải nhanh chóng nâng cao sức mạnh và năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng hệ thống quản lý hiện đại, quản trị rủi ro và khả năng thực hiện chiến lược. Từ đó, khối DNNN sẽ có đủ năng lực để cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia. Những DNNN hoạt động có hiệu quả cao và thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài như VNPT, Viettel, PetroVietnam với sức cạnh tranh mạnh mẽ và đã có năng lực để tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh ra nước ngoài.

Các bài học về thất bại và rủi ro khi đầu tư kinh doanh ngoài ngành nghề chính còn có thể thấy tại EVN và Vinashin, những thua lỗ do đầu tư tài chính chứng khoán của các tổng công ty, tập đoàn khác.

Tính đến nay, khối Tập đoàn kinh tế quốc doanh, hay gọi chung Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam, có 11 tập đoàn gồm: Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Than - Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí (PetroVietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt may (Vinatex), Cao su (VRG), Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt), Viettel, Sông Đà và Tập đoàn Phát triển nhà - đô thị Việt Nam.

Ngoài ra, cả nước còn có 88 tổng công ty và công ty Nhà nước có quy mô lớn, tổ chức hoạt động theo hình thức mẹ - con.

Vận hành cơ chế giám sát

Rõ ràng, cần phải có một cơ chế kiểm soát để các DNNN phải xây dựng hệ thống quản lý tài chính, giám sát hoạt động chiến lược đầu tư. Cơ chế này bao gồm: áp dụng các tiêu chuẩn kế toán quốc tế IAS (International Account System) và thực hiện quản lý danh mục đầu tư của các DNNN.

Cơ chế giám sát DNNN được thực hiện thông qua người đại diện cho đơn vị chủ quản là Giám đốc tài chính - CFO. Trong các hệ thống quản lý doanh nghiệp hiện đại, CFO đóng một vai trò quan trọng trong việc quản trị hoạt động  với các nhiệm vụ:

(i) - Xây dựng hệ thống thông tin quản trị tài chính
(ii) - Quản lý giám sát thực hiện chiến lượ
(iii) - Quản lý chi phí hoạt động DNNN

Theo đánh giá của ông John Yeomans, Giám đốc Công ty tư vấn Deloitte Consulting Đông Nam Á, doanh nghiệp Việt Nam còn rất thiếu các công nghệ quản lý và sử dụng CNTT trong công tác quản lý. Thông qua việc đầu tư  xây dựng hệ thống thông tin quản lý MIS (Management Information System), CFO sẽ có báo cáo tài chính giữa niên độ, báo cáo tài chính hợp nhất và danh mục đầu tư tổng hợp. Từ đó cho phép tổ chức giám sát nắm bắt tình hình hoạt động của khối DNNN được chính xác và kịp thời.

Các CFO có thể được học hỏi kinh nghiệm để có khả năng quản trị và giám sát hoạt động của DNNN thông qua hoạt động thực tế tại các đơn vị quản lý đầu tư trong nước và quốc tế như HSC, SSI, CII, VinaCapital hay Temasek. CFO nên nhận được mức thu nhập và thưởng theo thành tích công việc một cách hợp lý để có thể thu hút những cán bộ có năng lực.

Tương tự như các Tập đoàn nước ngoài, các CFO cũng nên luân phiên thay đổi đơn vị công tác trong khoảng 3-4 năm để tránh hiện tượng liên kết với hệ thống quản lý tại doanh nghiệp.

Hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế

Thông qua việc triển khai áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IAS, các số liệu hoạt động và tài chính của DNNN sẽ trở nên rõ ràng và chuẩn mực, phục vụ cho các công tác điều hành và quản trị doanh nghiệp.

Việc áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế IAS cho khối DNNN là rất cần thiết, nhằm bảo đảm tính minh bạch, chính xác và chuẩn hoá của số liệu tài chính doanh nghiệp cũng như các rủi ro tài chính tín dụng của các khoản đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ mạnh mẽ  cho quá trình cổ phần hoá và tái cấu trúc DNNN, cho phép đánh giá một cách chính xác tình trạng hoạt động của DNNN và có các biện pháp điều chỉnh cần thiết để đem lại hiệu quả hoạt động tốt nhất.

Bộ Tài chính đã có thông tư số 210/2009/TT-BTC hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IAS và IFRS về trình bày báo cáo tài chính, xác định giá trị và thuyết minh đối với công cụ tài chính.

Áp dụng tiêu chuẩn IAS, IFRS sẽ cho phép hệ thống kế toán ghi nhận lại rất chính xác và khoa học các hoạt động của DNNN mà hiện nay các tiêu chuẩn kế toán VAS của Việt Nam vẫn chưa làm được do còn đang được hoàn thiện. Việc áp dụng  các chuẩn kế toán quốc tế IAS, IFRS đòi hỏi phải có nhân lực và công nghệ hỗ trợ, tuy nhiên đó là đầu tư cần thiết và hợp lý để có được một hệ thống tài chính quản trị tiên tiến.

Khi có các thông tin tài chính quản trị theo chuẩn mực quốc tế, lãnh đạo và chủ quản DNNN có thể đánh giá kết quả và so sánh với các DN nước ngoài cùng lĩnh vực, từ đó chỉ rõ những điểm yếu cần phải cải tiến và hoàn thiện cho DNNN.

Bên cạnh các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động thông thường như doanh số, chi phí, nguồn vốn, dòng tiền, lợi nhuận... việc đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN sẽ bao gồm cả chỉ số hiệu quả kinh tế (Economic Profit). Đánh giá hiệu quả kinh tế sẽ cho biết những đầu tư và hoạt động của DNNN có thật sự đem lại giá trị kinh tế gia tăng hay không.

Quản lý theo danh mục đầu tư theo danh mục

Việc hoạch định và thực hiện chiến lược đầu tư sẽ thông qua quản lý danh mục dự án đầu tư theo nguyên tắc tối ưu hoá hiệu quả đầu tư, kiểm soát  rủi ro và tránh việc đầu tư trùng lặp. Việc quản lý đầu tư theo danh mục (Portfolio Management) là phương pháp quản lý đầu tư hiệu quả được các tập đoàn hàng đầu như GE, Microsoft... áp dụng trong công tác hoạch định và kiểm soát đầu tư.

Tại Việt Nam, Bộ KH-ĐT sẽ thông qua danh mục đầu tư của các DNNN nắm được chính xác tình hình phân bổ các nguồn vốn đầu tư chiến lược, hiệu quả của việc đầu tư và từ đó có thể có các quyết định điều chỉnh cần thiết, phù hợp với quy hoạch phát triển của từng ngành.

Hiện nay, do không có hệ thống quản lý danh mục đầu tư thống nhất, nên việc quản lý thực hiện các quy hoạch chiến lược là rất kém, thường xuyên bị phá vỡ quy hoạch như quy hoạch phát triển thép, xi măng, khu công nghiệp, cảng biển, nông sản... Thông qua việc tổng hợp các quy hoạch tổng thể và các danh mục đầu tư của DNNN sẽ giúp tránh được việc đầu tư trùng lặp, dư thừa năng lực và phân bố không hợp lý.

Về nguyên tắc, khối DNNN cần được quản lý trên nguyên tắc đánh giá hiệu quả kinh tế và quản lý theo giá trị tương tự như Warren Buffett với chiến lược quản lý đầu tư theo giá trị doanh nghiệp rất thành công.

Dựa trên cơ sở lý luận quản lý đầu tư theo giá trị, Công ty quản lý quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của Buffett là một trong những quỹ đầu tư thành công nhất từ trước đến nay. Những doanh nghiệp được Buffett đầu tư cũng có đặc điểm khá giống các DNNN, đều là những doanh nghiệp lớn, nắm những hạ tầng cơ sở và nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những nguyên tắc đầu tư theo giá trị và nghệ thuật quản lý danh mục đầu tư của Buffett để quản lý hiệu quả khối DNNN.

Giá trị của hệ thống quản trị tài chính tiên tiến:

Việc xây dựng hệ thống quản trị tài chính và quản lý danh mục đầu tư của sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các DNNN. Với hệ thống quản trị tiên tiến, lãnh đạo DNNN hoàn toàn có khả năng kiểm soát chi tiêu đầu tư hiệu quả hơn. Hệ thống quản lý danh mục đầu tư giúp cho lãnh đạo phân bổ và kiểm soát tốt hơn các nguồn đầu tư, đánh giá được hiệu quả đầu tư tổng thể. Với các đơn vị chủ quản, nhà đầu tư, lãnh đạo DNNN hệ thống quản trị tài chính sẽ cung cấp các báo cáo tài chính kịp thời và chính xác.

Theo chủ trương của Chính phủ, sắp tới, khối DNNN sẽ phải tự phát hành trái phiếu quốc tế để có nguồn vốn đầu tư phát triển. Hiện nay, theo đánh giá của các Quỹ đầu tư quốc tế, khối DNNN có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng có độ rủi ro cao do các số liệu và báo cáo tài chính không theo chuẩn mực quốc tế.

Năm nay, nguồn vốn đầu tư trong nước chỉ đảm bảo khoảng 30% nhu cầu, nhưng việc huy động các nguồn vốn nước ngoài cũng rất khó khăn, dù lãi suất phát hành trái phiếu quốc tế khá cao, lên đến 7-8%/năm, cao hơn trái phiếu các nước khác 1-2%.

Theo TS. Thân Thị Thu Thủy (Chủ nhiệm Bộ môn Chứng khoán - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), muốn phát hành trái phiếu quốc tế, DNNN phải nâng hệ số tín nhiệm thông qua áp dụng cơ chế quản trị tiên tiến và báo cáo tài chính theo những chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Vinamilk là một điển hình quản trị doanh nghiệp thành công với đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, thực hiện hệ thống báo cáo tài chính, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là DN được giới đầu tư, các nhà quản lý đánh giá cao về năng lực quản lý chiến lược đầu tư, hoạt động kinh doanh hiệu quả và thông tin tài chính minh bạch.

Với giám đốc tài chính CFO có năng lực, hệ thống quản lý tài chính hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, số liệu báo cáo chính xác kịp thời , DNNN hoàn toàn có khả năng đạt được việc quản lý và kiểm soát đầu tư tài chính và chi tiêu hiệu quả tương đương khối doanh nghiệp nước ngoài, đem lại khả năng kiểm soát, quản trị DNNN xứng tầm là các doanh nghiệp trụ cột nền kinh tế đất nước. Với yêu cầu phải phát triển mạnh mẽ khối DNNN, việc đầu tư trang bị hệ thống quản trị tài chính tiên tiến là một việc bắt buộc phải làm.

Nguyễn Anh Tiến / VEF

Comments powered by CComment