Doanh nghiệp ứng phó với tăng giá

Tăng giá xăng dầu, điện vốn được xem như chuyện "chẳng đặng đừng", song với người dân và DN, mức tăng trên 15% với điện và hơn 20% với xăng dầu, ảnh hưởng khá lớn đến sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt, đòi hỏi họ phải có biện pháp ứng phó kịp thời.


Ông Nguyễn Tuấn Phương - Giám đốc nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai D&F, nhận xét giá điện tăng trên 15%, cộng hưởng với các yếu tố khác, như: tỉ giá, xăng dầu, nguyên liệu... khiến giá đầu vào tăng mạnh, DN vừa phải nghĩ cách tiết kiệm vừa nghiên cứu phương án tăng giá hợp lí để giữ vững thị trường.

Tìm cách tiết kiệm

"Đối phó với giá điện tăng, chúng tôi sẽ sắp xếp lại sản xuất, cố gắng phân bổ giờ giấc sản xuất vào các giờ thấp điểm nhằm giảm chi phí, tăng giá sản phẩm bao nhiêu cũng là điều D&F đang tính toán. Ngoài ra, chúng tôi phải thực hành tiết kiệm" - ông Phương chia sẻ.

Nhiều DN cũng khẳng định, tiết kiệm là giải pháp hàng đầu khi giá đầu vào tăng. Song riêng với điện, họ cũng thừa nhận thực tế là khó có thể tiết kiệm hơn nữa vì nó sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt với ngành dịch vụ. Bà Huỳnh Thị Bích Phượng - Phó giám đốc Cty CP du lịch Đồng Nai, nhận định giá điện, xăng dầu tăng khiến hàng loạt chi phí đầu vào tăng mạnh, DN kinh doanh dịch vụ vấp phải khó khăn mới trong việc giải bài toán cân đối đầu vào ra sao để giá dịch vụ nằm trong khoảng "chấp nhận được" và chất lượng dịch vụ không đi xuống. "Dịch vụ lữ hành sẽ phải nâng giá thêm khoảng 10%, còn các dịch vụ nhà hàng - khách sạn thì chúng tôi đang tính toán phương án tăng hợp lý để giữ khách" - bà Phượng nói.

Lo lắng lớn nhất của bà Phượng là đối tượng khách hàng chính của Cty đa số là giới trung lưu - đối tượng đang chịu nhiều áp lực chi tiêu và các dịch vụ như: du lịch, nhà hàng - khách sạn sẽ là nhóm chi tiêu được cắt giảm đầu tiên vì không phải là nhu cầu thiết yếu. Theo bà Phượng, hiện tại với khoảng 2 tỉ đồng tiền điện mỗi năm trong hệ thống thì với mức giá điện mới, công ty sẽ phải chi thêm khoảng 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc siêu thị BigC Đồng Nai cho biết: với mặt bằng rộng, hệ thống lạnh và chiếu sáng chạy liên tục, mỗi tháng tiền điện của DN này dao động từ trên 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng và mức tăng trên 15% cũng sẽ khiến chi phí tiền điện mỗi năm tăng không ít. Thay đổi hệ thống chiếu sáng, hệ thống lạnh bằng công nghệ mới là cách làm mà BigC đang theo đuổi. "Đầu tư cho hạng mục này khá tốn kém, song xét có hiệu quả lâu dài bởi giá điện hàng năm sẽ còn tiếp tục tăng. Hiện BigC đã thay xong hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện và đang dự tính thay hệ thống lạnh công nghệ mới ít tốn điện. Chúng tôi cũng đang nghĩ đến phương án đầu tư hệ thống điện mặt trời nhằm tiết kiệm chi phí lâu dài, bớt phụ thuộc nguồn điện quốc gia.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ tiềm lực tài chính để đầu tư, thay mới hệ thống thiết bị sử dụng điện hay nghĩ đến nguồn năng lượng khác. giám đốc một DN trong ngành dịch vụ tại TP Biên Hòa nói: "Đầu tư thay mới toàn bộ hệ thống máy móc bằng các thiết bị tiết kiệm điện đòi hỏi vốn lớn, không phải DN nào cũng có thể làm, chưa kể trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện tại. Do đó, ngoài biện pháp nâng giá dịch vụ một cách hợp lý, chúng tôi chọn cách tiết kiệm triệt để".

Tính toán chuyện tăng giá

Ông Trần Phú Lợi - chủ cơ sở nước uống đóng chai Fiva (xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) quyết định đầu tư thêm hệ thống lọc nước công suất 600 lít/giờ, mỗi ngày  sử dụng trên 1.000 bình loại 24 lít. Ông Lợi cho biết vừa phải điều chỉnh giá bán một số sản phẩm do giá bình tăng, còn các chi phí khác, trong đó có phần tăng thêm từ giá xăng dầu và giá điện, vẫn chưa được tính vào. Theo đó, chắc chắn trong thời gian tới các sản phẩm nước bán ra của cơ sở anh sẽ phải điều chỉnh tăng.

Là DN làm hàng gỗ xuất khẩu, chị Nguyễn Thu Giang - Phó GĐ Cty TNHH Thanh Giang cho hay : đầu năm nay DN ký được một số hợp đồng có giá khá tốt nên đang cố "giữ thăng bằng", chưa dám tăng giá. Tuy nhiên, theo bà Giang, khoảng nửa tháng nữa, việc tăng giá xăng dầu và điện sẽ tác động mạnh và DN phải tính đến chuyện điều chỉnh giá. "Các hợp đồng chuẩn bị ký với đối tác đang tính toán xem xét kỹ về giá. Vật giá tăng DN phải trả thêm phụ cấp cho công nhân trong thời gian tới" - chị Giang nói. Năm 2010, doanh thu xuất khẩu của Thanh Giang đạt gần 2 triệu USD, năm nay với nhận định có nhiều khó khăn nên DN xây dựng kế hoạch tăng trưởng khoảng 5%.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cung - Giám đốc Cty TNHH Thiên Đức chuyên làm giày da xuất khẩu vừa phải mời đối tác của mình từ Hàn Quốc sang để kiểm tra thực tế, tìm hiểu giá cả để thuyết phục đối tác điều chỉnh giá trong hợp đồng bởi các chi phí tăng quá mạnh. Đến nay, công ty đã ký đơn hàng sản xuất đến hết tháng 4. Theo ông Cung, nếu hợp đồng không được điều chỉnh, DN sẽ lỗ rất nặng.

Nhận xét về vấn đề này, ông Phạm Đức Bình - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho rằng 2011 là một năm khá khó khăn bởi hàng loạt tác động bất lợi cho DN, như: lãi suất ngân hàng cao, giá xăng dầu, điện tăng sẽ làm đội thêm giá thành sản phẩm. Theo ông Bình, trong khó khăn sẽ có những cơ hội, song đòi hỏi DN nhanh nhạy, tìm cách ứng phó kịp thời.

Tác động của giá điện mới

Theo Bộ Công thương, với mức tăng giá điện so với giá thực hiện năm 2010 là 165 đồng/kWh (15,3%), ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đã được xem xét để giữ ở mức thấp nhất. Do tăng giá điện, ước tính sẽ trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,46%.

Về tác động đến các ngành sản xuất, dự kiến giá điện cho sản xuất tăng bình quân khoảng 12%, làm tăng giá thành sản phẩm của các ngành sản xuất từ 0,01-1,33%. Với các ngành cán thép, xi măng, sản xuất sợi, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng 0,38-1,33%; các ngành thuốc lá, bia, sản xuất bao bì, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng từ 0,01-0,46%. (Nguồn: Bộ Công Thương).

Kim Ngân – Khắc Giới / DDDN

Comments powered by CComment