Brainstorming: đơn giản mà không đơn giản !

Ngày đầu tiên vào làm việc tại một công ty quảng cáo, tôi được sếp giao nhiệm vụ sắp xếp một buổi brainstorming để lấy ý tưởng cho một campaign mới. Nhiệm vụ được giao chỉ qua một email với vài địa điểm gợi ý, hầu hết là ở các quán cà phê có không gian rất tuyệt.

 

Tôi bắt tay vào chuẩn bị cho buổi họp nhưng trong lòng không khỏi ngạc nhiên và bắy đầu tìm hiểu tại sao brainstorming lại phải như vậy? Brainstorming là công cụ tốt nhất để tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo Trong một tập thể, brainstorming là lúc mọi người cùng ngồi lại với nhau, cùng suy nghĩ, cùng trao đổi và đưa ra những ý tưởng mới lạ. Tuy nhiên brainstorming không phải dễ thực hiện vì một lý do dễ hiểu – mọi người thường có tâm lý giấu giếm những gì đang suy nghĩ vì sợ sự bình phẩm, dèm pha từ những người khác. Do đó, với những tập thể lần đầu thực hiện brainstorming hãy bắt đầu với một vài người đã quen biết cởi mở với nhau.

 

Việc thường xuyên brainstorming cùng nhau sẽ tạo một không khí thoải mái và mọi người dễ dàng đưa ra ý tưởng mới, đôi khi “điên rồ”nhưng chắc chắn kết quả sẽ khả quan.

 

Brainstorming cá nhân đến tập thể

Mỗi đơn vị, mỗi doanh nghiệp thường có những phương thức brainstorming riêng, tập trung ở hai phương thức chính, đó là brainstorming cá nhân và brainstorming tập thể.

 

■ Brainstorming cá nhân:

Với những cá nhân chưa từng tham gia brainstorming tập thể hoặc khi tập thể không có điều kiện để tổ chức một buổi brainstorming cùng nhau, mỗi cá nhân sẽ phải tự brainstorming để tìm ra ý tưởng. Thuận lợi của phương thức này là cá nhân thường có xu hướng đưa ra nhiều ý kiến hơn, thoải mái sáng tạo hơn vì không phải lo lắng người khác nghĩ gì, tán thưởng hay mỉa mai ý kiến của mình.Tuy nhiên, cá nhân sẽ khó có thể phát triển ý tưởng hiệu quả toàn diện như khi có người khác cùng brainstorming. Do đó khi tự brainstorming, cá nhân phải biết hệ thống những suy nghĩ để phát triển ý tưởng theo chiều hướng mới hơn, sâu rộng hơn.

 

■ Brainstorming tập thể:

Đây là phương thức thông dụng nhất và hiệu quả nhất do khai thác được kinh nghiệm và sự sáng tạo của tất cả các thành viên trong tập thể. Khi một cá nhân bị “nghẽn” ý tưởng, kinh nghiệm và tư duy của thành viên khác sẽ “khai phá” dòng ý tưởng sang một hướng mới. Vì thế, brainstorming tập thể sẽ phát triển ý tưởng sâu hơn. Brainstorming tập thể phải được điều khiển bởi một người có kinh nghiệm và linh hoạt để những người chưa có sự sáng tạo hoặc có những ý kiến bất thường không bị ngượng ngập và rời khỏi tập thể với cảm giác bẽ mặt vì chưa có sự “cống hiến”.

 

Mở đường ý tưởng

Để ý tưởng được đưa ra và dòng ý tưởng được khơi nguồn, sẽ có hai phương thức tiếp cận thông dụng nhất:

■ Khơi mào bằng câu hỏi đầu tiên: Giả định bạn đang tìm kiếm phương thức marketing cho sản phẩm với đối tượng mục tiêu là những doanh nghiệp nhỏ. Cách đơn giản nhất là khơi nguồn buổi brainstorming bằng câu hỏi “những người chủ của doanh nghiệp nhỏ mong muốn những gì?” và chắc chắn người tham gia sẽ lần lượt đưa ra những ý kiến như “muốn tiết kiệm thời gian”, “tăng sản lượng bán ra”… Hoặc bạn có thế lựa chọn những nét đặc trưng của sản phẩm và đưa ra câu hỏi về từng nét đặc trưng có ích lợi gì cho đối tượng mục tiêu.

 

■ Sử dụng từ liên kết: Phương thức này là cách đưa ra những từ gốc, sau đó liệt kê những tứ có liên quan với từ gốc và xâu chuỗi lại. Chẳng hạn như bạn đang tìm kiếm slogan cho gel dưỡng tóc, bạn sẽ bắt đầu với từ gốc “gel” và phát triển đến những từ liên quan như “tạo nếp mềm mại”, tiếp đó bạn có thể brainstorming với danh sách từ liên quan đến từ “mềm mại” và cứ như thế bạn có thể có ít nhất 4-5 danh sách từ dựa trên từ gốc “gel” ban đầu. Để có được slogan mong muốn, bạn có thể chọn từ mỗi danh sách một từ hay nhất và liên kết chúng lại với nhau theo hướng logic và sáng tạo.

 

Trải qua nhiều lần brainstorming như vậy, tôi đã thực sự ngẫm ra tầm quan trọng của cách làm này. Đó là công cụ hỗ trợ đắc lực để tìm kiếm ý tưởng theo cách mở rộng suy nghĩ “truyền thống”, khai phá những ý tưởng tiềm năng, thay đổi những sai lệch, nới rộng những giới hạn khi nhìn nhận một vấn đề. Hãy bắt đầu dự án bằng một buổi brainstorming, sẽ có rất nhiều ý tưởng khiến bạn bất ngờ !

 

Tiến trình cho một buổi brainstorming hiệu quả:

·   Định rõ vấn đề cần được giải quyết và liệt kê những tiêu chuẩn đặt ra.

 

·   Hướng buổi brainstorming theo đúng trọng tâm

 

·   Đảm bảo không có bất kì người nào bình phẩm hay đánh giá những ý kiến được đưa ra trong suốt quá trình brainstorming

 

·   Tin tưởng, khuyến khích lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm. Động viên mọi người, kể cả những người trầm lặng nhất góp ý kiến và phát triển ý tưởng.

 

·   Tạo một không khí brainstorming hào hứng, vui vẻ. Thu thập càng nhiều ý tưởng càng tốt, từ những điều thực tế đến những chuyện hoang đường

 

·   Chào đón tất cả sự sáng tạo.

 

·   Không để bất kì dòng ý tưởng nào được thảo luận quá lâu, vì sẽ dễ đưa ý tưởng đi lệch trọng tâm.

 

·   Khuyến khích mọi người phát triển ý tưởng của thành viên khác hoặc dùng ý tưởng của người khác để phát triển ra ý tưởng mới.

 

·   Luôn có thư ký cho buổi brainstorming để ghi lại những ý tưởng được đề ra theo hình thức biểu đồ phát triển, biểu đồ này sẽ rất có ích để tìm hiểu và tổng kết nhằm đưa ra kết quả tối ưu.

 

Vật dụng cần thiết để thực hiện buổi brainstorming

·   Phòng họp rộng, thoáng mát. Tốt nhất là một nơi có khung cảnh đẹp, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo.

 

·   Bánh, trái cây, thức uống…tạo điều kiện thoải mái nhất.

 

·   Giấy và viết cho từng thành viên tham dự để ghi lại diễn biến suy nghĩ của mình và đồng nghiệp.

 

Bảng viết lớn đặt trong phòng họp ghi nhận toàn bộ những ý tưởng bất chợt.

 

Theo Marketing

 

Comments powered by CComment