Tác động ngắn hạn, hậu quả dài hạn

Gần một trăm nhà kinh tế trong và ngoài nước đã tập trung tại hội nghị do uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức hôm qua tại Hải Dương để trình bày những nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, và những phản ứng chính sách của Chính phủ. Những đóng góp đó sẽ giúp Quốc hội xem xét lại những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà Chính phủ sẽ đề nghị giảm xuống trong kỳ họp tháng 5 tới.

Tình hình thực tế bi quan

Bà Susan Adams, chuyên gia kinh tế của dự án STAR do Mỹ tài trợ kể, bà đang chứng kiến những điều chưa từng xảy ra ở Việt Nam từ khi đến đây năm 2001 để làm trưởng đại diện của IMF. Rất nhiều người nước ngoài mà bà quen biết đã và đang đóng hành lý rời khỏi TP.HCM. “Lý do là các công ty, các văn phòng đại diện nước ngoài ở Việt Nam mà họ làm việc đã và đang đóng cửa. Đây là những tín hiệu rất xấu”, bà nói.

Trong khi đó, Hải Dương, một trong những tỉnh công nghiệp hoá nhanh nhất miền Bắc, cũng đang trải qua những khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương – Bùi Thanh Quyến cho biết, cả tỉnh chỉ thu hút được vỏn vẹn hai dự án FDI tổng cộng 10 triệu USD trong ba tháng đầu năm nay, trong khi 13 khu công nghiệp không hề có một dự án nào. Hơn một nửa trong tổng số 18 dự án FDI mà tỉnh cấp phép trong năm 2008 đã dừng lại, thậm chí huỷ bỏ. Cả tỉnh ước có 5,2 ngàn công nhân đã thất nghiệp. “Tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh đều suy giảm nghiêm trọng”, ông nói.

Hầu hết các đại biểu cùng chung quan điểm rằng, thiếu hụt nguồn vốn FDI do khủng khoảng tài chính toàn cầu sẽ tác động ghê gớm đến phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: “Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc nói với tôi, họ không có tiền đâu mà triển khai các dự án tại Việt Nam, khi đồng won đã mất giá tới 40% so với USD”. Quyền viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói thêm: “Đây là điều hết sức đáng lo khi vốn FDI là khoản giúp bù đắp thâm hụt giữa tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa. Năm ngoái, tỷ lệ này lên đến gần âm 13% GDP khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới 43,1% GDP, trong khi tỷ lệ tiết kiệm chỉ vào khoảng 30% GDP”.

Băn khoăn về gói hỗ trợ lãi suất

Cho đến đầu tuần, ngân hàng Nhà nước công bố đã cho vay khoảng 202 ngàn tỉ đồng liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ. Bà Adams nhận định rằng, có khoảng 1/3 trong số này là được rót cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. “Phân bổ tín dụng như vậy có hợp lý không, khi Việt Nam đang theo hướng thu hẹp doanh nghiệp nhà nước, và tăng động lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò cốt yếu cho tăng trưởng kinh tế sau này”.

Theo ông Quyến: “Nên đánh giá lại thành phần kinh tế nhà nước chủ đạo tác động gì đến suy giảm kinh tế, không có đầu tư vào đây lại làm hỏng nền kinh tế. Ví dụ, ông Vinashin đầu tư rất lớn ở tỉnh tôi, nhưng vào đó thì vắng như chùa bà đanh. Trong khi đó, những anh SME ở tỉnh cần vốn cho sản xuất, thì không vay được, những anh vay được thì đi đảo nợ”.

Ông Nguyễn Quang A, viện Nghiên cứu phát triển đồng ý điểm này, cho rằng, tỷ lệ đảo nợ phải lên đến 70% số tiền này vì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thực tế rất thấp trong quý 1. “Người làm chính sách chưa cho ai vay bao giờ, nên họ không lường được các doanh nghiệp sẽ phản ứng như thế nào. Anh là doanh nghiệp đang phải vay mức lãi suất 16%, giờ còn có 4 – 5% thì họ sẽ làm gì? Không có ai không tìm cách trả nợ cũ đi”.

Trong khi đó, ông Thiên băn khoăn về các gói tài chính kích thích kinh tế mà Chính phủ chưa công bố rõ ràng. “Cuối năm ngoái, Chính phủ tuyên bố 5 – 6 tỉ USD, và gần đây lên gần 10 tỉ. Trong số đó chỉ có một tỉ hỗ trợ lãi suất là công bố, còn gói khác thì chưa rõ ràng. Nhưng kể cả với gói đã công bố, thì có đáp ứng ba tiêu chuẩn quan trọng nhất là: đúng lúc, đúng mục tiêu, và đúng đối tượng?”. Ông Thiên nói: “Khủng hoảng tạo cơ hội làm lành mạnh nền kinh tế, liệu Chính phủ có sẵn sàng thanh lọc doanh nghiệp yếu kém. Có vẻ như Chính phủ đã không đặt ra trong các giải pháp này”. Ông Doanh nói: “Tại sao Quốc hội không được tham khảo khi Chính phủ đưa gói kích cầu ra. Tôi rất ngạc nhiên. Quốc hội là tập thể trí tuệ gắn với dân, nên có thể đóng góp ý kiến”.

Nhiều ý kiến cho biết thêm rằng, các gói kích thích tài chính của Chính phủ đang tập trung vào kích cung, trong khi vấn đề hiện nay đang nằm ở phía cầu.

Lo bất ổn vĩ mô trở lại

Chỉ ra phần trình bày bằng cả tiếng Anh và Việt, bà Adams nói rằng, những chỉ số vĩ mô của Việt Nam đã thay đổi quá nhanh chóng, làm bà không kịp điều chỉnh. Tuy vậy, vấn đề lớn nhất của Việt Nam là ở thâm hụt ngân sách, và thâm hụt cán cân vãng lai. Tổng hợp từ các nguồn của IMF, WB, ADB và tổng cục Thống kê, bà cho rằng thâm hụt ngân sách so với GDP của Việt Nam là –7,3%, –7,1% và –5,5% trong các năm 2009, 2010 và 1011. Tương ứng với các năm này, tỷ lệ thâm hụt cán cân vãng lai so vói GDP là –9%, –9,6% và –8,4%.Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng có thể lên tới 3 – 3,5%, dù vẫn ở mức tương đối thấp, nhưng cũng có thể đáng lo ngại.

Trong khi đó, ông Trần Đình Thiên lo ngại mức bội chi ngân sách quá lớn, với 8% GDP mà Chính phủ sẽ xin điều chỉnh trước Quốc hội sắp tới, 7% GDP theo WB và 9,8% theo ADB. Ông nói: “Thâm hụt ngân sách sẽ làm gia tăng lạm phát và bất ổn vĩ mô trong tương lai. Các biện pháp hiện nay mới tập trung cứu kinh tế khỏi suy thoái, chứ chưa nói đến các điểm yếu khác. Với kinh tế Việt Nam, khủng hoảng có thể qua đi trong năm nay, nhưng các điểm yếu quan trọng vẫn y nguyên, thậm chí nghiêm trọng hơn”.

Bà Susan đồng ý điểm này: “Chính phủ muốn đánh đổi tăng trưởng cao bằng những chi phí thế nào? Là thâm hụt ngân sách, bất ổn vĩ mô, sức ép lạm phát… Với những gì xảy ra năm ngoái, Việt Nam muốn như vậy nữa hay không? Câu hỏi cho cơ quan ra chính sách: xem xét hiệu quả ngắn hạn và dài hạn và sự đánh đổi giữa chúng”.

Tư Giang

Comments powered by CComment