Warning: Attempt to read property "image_intro" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Warning: Attempt to read property "image_fulltext" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Khai thác thị trường theo lợi thế riêng

Các doanh nghiệp Việt Nam đang bày tỏ tham vọng khai thác thị trường dịch vụ ứng dụng cho điện thoại di động dựa trên các lợi thế khác nhau của chính họ. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên một “hệ sinh thái” (eco-system) cộng hưởng tốt hơn giữa các nhà cung cấp hạ tầng mạng viễn thông, thiết bị cũng như phát triển dịch vụ nội dung và cũng góp phần thúc đẩy thị trường dịch vụ ứng dụng.

 

TMA Solutions vốn là một doanh nghiệp chuyên gia công các dịch vụ ứng dụng trong ngành viễn thông cho thị trường nước ngoài. Nhưng từ ba năm nay họ đã chuyển hướng vào thị trường trong nước trước khi mạng 3G ra đời.

 

Theo ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc Trung tâm Giải pháp di động TMA (TMS), mạng 3G tạo ra cơ hội tốt để công ty có thể khai thác thị trường trong nước, sau khi đã có kinh nghiệm phát triển sản phẩm cho khách hàng nước ngoài.

 

TMS hiện có ba bộ phận phát triển sản phẩm cho ba mảng thị trường: mảng giải pháp cho điện thoại di động phục vụ đối tượng doanh nghiệp, mảng ứng dụng cho điện thoại di động phục vụ người sử dụng và mảng phát triển dịch vụ cho khách hàng nước ngoài.

 

Trong đó, bộ phận thứ nhất tập trung thiết kế các bộ giải pháp hoàn chỉnh có thể ứng dụng cho nhiều ngành nghề sản xuất - kinh doanh như mobilePortal, mobileCalendar, mobileAuctions, mobileSurvey, mobileReport… nhằm phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp cần mở kênh thông tin cho khách hàng qua điện thoại di động hoặc những nhà quản lý doanh nghiệp cần đến những ứng dụng mang lại thông tin tức thời để hỗ trợ việc ra quyết định kinh doanh.

 

Bộ phận thứ hai với một số sản phẩm như tìm kiếm thông tin trực quan bằng iPad, gọi di động qua mạng Wi-Fi, hệ thống học tập qua mobile… hiện đang được TMS cung cấp miễn phí cho thị trường trong nước để thăm dò nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Trong khi đó, mảng phát triển dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đang nhận được lượng đơn đặt hàng tăng mạnh từ Bắc Mỹ và châu Âu. Vài năm qua TMS đã đầu tư nghiên cứu một số công nghệ, sản phẩm nhắm vào thị trường thế giới như phần mềm gọi di động qua mạng Wi-Fi dựa trên công nghệ chuyển mạng tự động.

 

Hiện chương trình phần mềm này đang được sử dụng thử nghiệm ở châu Âu và một số nước châu Á. “Việc đầu tư dạng này có nhiều rủi ro nhưng chúng tôi đang nỗ lực tạo ra sản phẩm “made in Vietnam”, đây là thị trường lớn nên chỉ cần 1-2 sản phẩm thành công là sẽ dễ dàng thu hồi vốn”, ông Hồng nói.

 

VNG (trước đây là VinaGame) cho biết cũng đã tham gia thị trường dịch vụ ứng dụng với lợi thế là doanh nghiệp đang sở hữu cộng đồng người sử dụng lớn. Zing.vn là cổng dịch vụ phổ biến trong nước với khoảng 15 triệu lượt truy cập hằng tháng. Đối tượng khách hàng của họ là giới trẻ độ tuổi từ 15-25, đây cũng chính là phân khúc có tỷ lệ người sử dụng điện thoại lớn nhất.

 

Hiện nay Zing đã cho ra mắt phiên bản cho điện thoại di động thử nghiệm trên mạng xã hội Zing Me và sẽ tung ra phiên bản tương tự cho trang nghe nhạc Zing MP3 và cổng thông tin Zing News trong năm nay. Ngoài ra, hai nhà cung cấp điện thoại Nokia và Samsung đang đặt hàng VNG xây dựng các ứng dụng độc quyền cho các dòng điện thoại của họ. “Khi đưa các dịch vụ của Zing lên môi trường điện thoại di động, chúng tôi tin tưởng sẽ được các khách hàng sẵn có của mình ủng hộ”, ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG, cho biết.

 

Xu hướng đưa ra thị trường các thiết bị gắn liền với dịch vụ cũng đang làm thay đổi phương thức cạnh tranh của các nhà cung cấp phần cứng và có những tác động nhất định đến thị trường tiêu dùng trong nước. Nhất là khi các nền tảng mở ra đời, các kho ứng dụng của Google, BlackBerry hoặc Microsoft đang góp phần thu hút khách hàng mua sản phẩm. Khi đó, vai trò của các thiết bị được định giá lại. Năm ngoái, sau một thời gian dài kinh doanh thiết bị ở Việt Nam, Nokia bắt đầu quan tâm khuếch trương các dịch vụ nội dung, đồng thời “mở cửa” Ovi Store cho người sử dụng trong nước và cũng nhằm thăm dò thị trường.

 

Phát triển kho dịch vụ ứng dụng

 

Từ đầu năm đến nay các mạng viễn thông bắt đầu chăm chút hơn cho việc xây dựng kho dịch vụ ứng dụng. Họ cũng dần mở rộng cửa hơn cho các nhà phát triển nội dung độc lập cùng tham gia, một điều trước đây không có do cơ chế hợp tác giữa hai bên còn rất khó khăn.

 

Mặc dù việc hợp tác này chưa thực sự nhịp nhàng nhưng những giá trị mà dịch vụ nội dung đem lại cũng đang giúp thay đổi dần dần tâm lý “một mình một chợ” của các nhà kinh doanh mạng viễn thông, bởi dịch vụ càng đa dạng càng góp phần giữ chân khách hàng và mang lại doanh thu, khi mà doanh thu từ dịch vụ thoại đang dần bị thu hẹp.

 

S-Fone với những ứng dụng eXcite trên nền tảng BREW đang cho thấy hiệu quả của dịch vụ khi đưa ra các công cụ giải trí đa dạng ngay trên những dòng máy phổ thông nhất. Mặc dù lượng khách thuê bao của mạng này còn khiêm tốn so với Viettel, MobiFone hay VinaPhone nhưng rõ ràng nền tảng BREW đang là một giải pháp với khá nhiều ưu điểm mà các mạng viễn thông, nhà phát triển thiết bị đầu cuối và nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu có thể phân phối các dịch vụ ứng dụng đến người sử dụng. Truy cập vào cửa hàng trực tuyến BREW hiện nay, khách hàng có thể chọn các dịch vụ ứng dụng với cước phí 9.990 đồng sử dụng không giới hạn hoặc các ứng dụng tính phí mỗi ngày chỉ khoảng 200-300 đồng.

 

Trước khi Samsung công bố nền tảng Bada vào Việt Nam chưa lâu là sự ra mắt của dòng điện thoại thông minh F99 của FPT. Đây là dòng điện thoại có mức giá rẻ và tích hợp kho dịch vụ ứng dụng F-store cài sẵn trong máy như từ điển, chat Vitalk, e-mail, đọc báo, lướt web, bản đồ số, chơi trò chơi..., đặc biệt là kho nhạc với hàng ngàn bản nhạc đã được công ty mua bản quyền.

 

Nhiều dịch vụ ứng dụng lâu nay được FPT đầu tư xây dựng nhưng chưa có cơ hội tạo ra lợi nhuận nay được doanh nghiệp tận dụng để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu trong nước kết hợp với các ứng dụng phần mềm đã được đầu tư trong một thời gian dài.

 

Trong khi đó, Viettel cũng phát động các chương trình thu hút cộng đồng phát triển kho dữ liệu MStore nhằm tạo ra nguồn cung về dịch vụ ứng dụng do chính doanh nghiệp phát triển hoặc sử dụng có bản quyền các dịch vụ ứng dụng của các nhà cung cấp khác.

 

Về phía các mạng viễn thông, VinaPhone cho biết mục tiêu trong năm nay là nâng số lượng dịch vụ giá trị gia tăng lên 60 so với 40 hiện nay và dự báo doanh thu từ các dịch vụ không phải thoại sẽ chiếm khoảng 25% trong tổng doanh thu của mạng này. Với lợi thế sở hữu số lượng người thuê bao lớn, nếu các mạng viễn thông đầu tư cho việc phát triển các kho dịch vụ ứng dụng cho điện thoại di động thì các phần mềm tiềm năng của các nhà cung cấp độc lập sẽ được đưa ra kinh doanh một cách thuận lợi nếu hai bên hợp tác một cách tích cực.

 

Hiện nay các dịch vụ giá trị gia tăng mang lại doanh thu trung bình khoảng 20% trong tổng doanh thu của các mạng viễn thông, nhưng chủ yếu là dịch vụ truy cập Internet. Trong khi đó các doanh nghiệp này đã đầu tư lớn cho mạng 3G và chỉ có thể thành công khi các dịch vụ ứng dụng được thị trường chấp nhận. Chỉ có cách tạo cơ hội để cộng đồng tham gia sáng tác nội dung, thiết kế các dịch vụ ứng dụng thì nhà cung cấp mạng viễn thông mới có thể tận dụng được năng lực của hạ tầng mạng.

 

Theo TBKTSG

30 || Zoom

Comments powered by CComment