Đừng để thương hiệu của DN bị tổn thương

Người mua bảo hiểm, trong nhiều trường hợp quyết định ký vào hợp đồng là do tin vào uy tín thương hiệu. Xây dựng được một thương hiệu tốt đã khó, giữ được thương hiệu lại là một bài toán khó hơn.

Kết luận Prudential có thể vô can hay không trong vụ kiện lừa đảo đến hơn 230 tỷ đồng ở Quảng Ninh sẽ do tòa án đưa ra, nhưng dù liên quan hay không, ở một khía cạnh khác, thương hiệu này đang bị ảnh hưởng tiêu cực.

Câu chuyện của Prudental Việt Nam cũng hé lộ những cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ khá khốc liệt trên thị trường Việt Nam. Các ước tính cho thấy cho đến nay chỉ chừng 5% dân số Việt Nam tham gia loại hình bảo hiểm này. Con số 5% này đã kéo dài nhiều năm nay trong khi số lượng công ty bảo hiểm nhân thọ xuất hiện ngày càng nhiều. Theo một nguồn tin, đến hết năm nay thị trường sẽ có 17 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Những năm đầu, khi bảo hiểm nhân thọ mới du nhập, thị trường Việt Nam như một mảnh đất màu mỡ, chỉ gieo hạt là nảy mầm, phát triển. Nhưng rồi dần dần sự cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt hơn, lẫn trong số đó sẽ có những kiểu kinh doanh lợi dụng khe hở của luật pháp và sự ngây thơ cả tin của khách hàng.

Và những lời than phiền về hình thức kinh doanh bảo hiểm vẫn chưa bao giờ ngớt. Tổng Giám đốc một doanh nghiệp ở TPHCM kể rẳng sau rất nhiều lần "van xin" các đại lý bảo hiểm đừng gọi đến làm phiền không thành, ông bèn gọi đến trung tâm khách hàng để phản ánh và nhận được lời hứa bảo đảm. Những tưởng được yên thân, nhưng đâu lại vào đấy. Ông bèn ghi âm lại các cuộc gọi, gửi email trực tiếp đến Tổng giám đốc nhưng chỉ nhận được một sự im lặng. Các cuộc gọi lại tiếp tục. Không chịu đựng nổi ông quyết định gửi thư đến tổng hành dinh của Công ty này ở nước ngoài và ba tờ báo lớn tại đó. Trong thư ông than phiền về "tiêu chuẩn kép" mà hãng bảo hiểm đang thực hiện. Cụ thể các quốc gia phát triển đại lý bảo hiểm tuân thủ luật pháp và quyền riêng tư của cá nhân, nhưng tại các thị trường đang phát triển, họ phớt lờ và coi thường điều này. Thư kêu gọi các cổ đông của công ty cần phải lên tiếng.

Chỉ mấy ngày sau, ông nhận được một cuộc gọi, không phải của nhân viên bảo hiểm mà từ vị Phó tổng giám đốc công ty, xin hẹn gặp. Vì bận không gặp được nên ông nhận được email cùng với lời nhắn công ty đã chỉ thị cho tất cả nhân viên và đại lý không được gọi vào số điện thoại này mời mua bảo hiểm nữa. Cuối cùng là một lá thư xin lỗi , kèm theo một món quà nhỏ được gửi đến.

Chiêu "trị" sự làm phiền của đại lý như trên không phải ai cũng áp dụng được. Trong rất nhiều vụ việc ở Việt Nam phần thiệt vẫn thường nghiêng về những nạn nhân thấp cổ bé họng.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp trong nghành chia sẻ, chưa bao giờ tình trạng chèo kéo khách hàng lại nhiều đến thế. Không chỉ có vậy, việc các công ty này chiêu dụ đại lý, nhân viên của nhau cũng diễn ra rất phổ biến. Một khi đại lý đi, khách hàng cũng theo đó mà bỏ công ty. Người mua bảo hiểm, trong nhiều trường hợp quyết định ký vào hợp đồng là do tin vào uy tín của một thương hiệu. Cũng bởi thế, theo một chuyên gia, không phải ngẫu nhiên mà nhiều doanh nghiệp phải chọn mặt bằng sang trọng, các nhân viên ăn vận lịch sự, nói năng nhã nhặn để đánh vào yếu tố tâm lý và để nâng cao uy tín thương hiệu.

Thương hiệu đã trở thành một tài sản vô hình có giá trị trong kinh doanh. Xây dựng được một thương hiệu tốt đã khó, nhưng để giữ được thương hiệu của mình lại càng khó hơn, đòi hỏi không ít công sức, nhất là khi thị trường cạnh tranh quyết liệt. Bởi thế, các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia, và một số doanh nghiệp trong nước cũng đã hết sức chú ý.

Một Tổng giám đốc khác trong nghành tài chính tâm sự, nếu trước đây ông rất cởi mở với báo chí, thì nay ông lại hết sức kín kẽ trong giao tiếp với truyền thông. Lý do là bộ phận kiểm soát thương hiệu của tổng hành dinh và khu vực đã đánh tiếng về những phát biểu "thẳng thắn và giàu cảm xúc" của ông có thể gây phương hại đến thương hiệu của công ty. Bây giở để trả lời báo chí, các câu hỏi phải được gửi sang cho quản lý vùng xem, và những câu trả lời sau đó, cũng theo quy trình này.

Điều này thật ra không lạ, đó là một quy trình trong việc kiểm soát thông tin và bảo vệ thương hiệu của các công ty lớn. Và khi có những sự cố xảy ra liên quan đến thương hiệu, guồng máy của công ty sẽ chạy theo một kịch bản xử lý khủng hoảng ngay sau đó nhằm hạn chế những thông tin tiêu cực liên quan đến mình. Như trường hợp hiên nay của Prudential, theo một chuyên gia, có thể sau vụ kiện này công ty sẽ phải tốn tiền cho các chiến dịch truyền thông, cho những hoạt động từ thiện, xã hội nhằm đánh bóng lại thương hiệu, tăng thêm uy tín cộng đồng.

Theo Hoàng Trần

Thời báo kinh tế Sài Gòn.

Comments powered by CComment