Kinh doanh trà sữa: Chuỗi hay không chuỗi?

Sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, thị trường kinh doanh trà sữa Việt Nam hiện nay đang khởi sắc hơn bao giờ hết với những thương hiệu lớn trong nước và nước ngoài.

Hào quang từ những chuỗi cửa hàng tên tuổi, đắt khách hàng đầu như Toco Toco, ChaGo, Ding Tea là điều mà nhiều người trong ngành F&B mong muốn có được. Để thành công như vậy, trước tiên, bạn cần nắm được những điều căn bản nhất về ưu, nhược điểm của kinh doanh chuỗi trà sữa.

*** LỢI THẾ

1. Uy tín thương hiệu

Cái lợi đầu tiên dễ dàng nhận thấy khi mở rộng thành chuỗi chính là khía cạnh uy tín, tên tuổi của quán. Một thương hiệu chỉ có một cửa hàng khác với một thương hiệu có đến 10-20 địa điểm. Nếu như trước đây khi bạn chỉ có một thương hiệu, không nhiều người biết đến bạn cho dù trà sữa của bạn có ngon và độc đáo đến đâu đi nữa. Nhưng khi quán trà sữa mà bạn gây dựng có mặt trên những con phố lớn thì nhiều người biết đến bạn và yêu thích bạn hơn. Do vậy, bề thế và độ uy tín càng lớn thì giá trị của thương hiệu càng cao. Sau này, khi bạn muốn gọi vốn hay bán nhượng quyền thương hiệu cũng sẽ dễ dàng và có giá trị hơn.

Ts1

Mở rộng số lượng điểm bán làm tăng độ nhận diện thương hiệu

Sự hiện hữu khắp nơi các cửa tiệm của một chuỗi còn là một lợi thế không hề nhỏ về mặt lan truyền hình ảnh mà không mất một đồng quảng cáo nào. Ngoài ra, chính sự “bành trướng” chi nhánh ra khắp nơi còn cho người tiêu dùng một cảm giác là công việc kinh doanh của chuỗi đang trên đà phát triển, chất lượng sản phẩm phải tốt mới có đủ khách hàng mà mở rộng. Hơn nữa, mỗi lần khai trương một cửa tiệm mới là một lần bạn hạn chế được đối thủ cạnh tranh, ít nhất là tại khu vực xung quanh đó.

2. Tính thay thế

Có một tình huống đáng buồn ở Việt Nam mà rất nhiều người buôn bán nói chung và kinh doanh trà sữa nói riêng gặp phải trong việc tìm mặt bằng. Đã từng xảy ra rất nhiều trường hợp, cửa hàng đang làm ăn phát đạt, khách hàng ghé đến rất đông thì sau một thời gian, chủ nhà tăng giá cho thuê hay tệ hơn là đòi lại địa điểm. Nhiều chủ thương hiệu có chia sẻ rằng, hợp đồng thuê nhà thường ngắn hạn và rất “manh mún”, không biết chủ nhà sẽ phá vỡ hợp đồng để lấy lại mặt bằng bất cứ lúc nào. Thời gian để di dời sang một địa điểm mới đồng nghĩa với việc bạn gần như phải làm lại từ đầu, đây cũng là một trong những nguyên nhân nhiều thương hiệu bị xóa sổ không thương tiếc. Cho nên, lợi thế của việc xây dựng một thương hiệu chuỗi là mất chỗ này còn có chỗ khác.

Ts2
Kinh doanh chuỗi trà sữa

3. Tiết kiệm chi phí marketing

Ưu điểm lớn nhất của mô hình dạng chuỗi là có thể tiết kiệm được chi phí marketing cho quán trà sữa. Một chương trình marketing bạn đưa ra dễ dàng thiết lập trên toàn bộ hệ thống chuỗi cửa hàng qua phần mềm quản lý chuỗi. Chi phí quảng cáo chia ra cho 5 hay 10 nơi chắc chắn sẽ rẻ hơn là so với một cửa hàng. Khi mạng lưới càng lớn thì lợi thế này càng rõ ràng hơn. Một quán trà sữa địa phương sao có thể so được với những thương hiệu mạnh như Ding Tea, Toco Toco hay Gong Cha. Một bên thì thụ động nhờ khách hàng truyền miệng, còn một bên thì chủ động đưa thông tin quảng bá đến từng ngóc ngách thị trường.

4. Sức mạnh đàm phán với nhà cung cấp

Tất nhiên, khi tăng số lượng cửa hàng, nguồn nguyên vật liệu pha chế trà sữa bạn cần mua cũng nhiều hơn và chắc chắn rằng, với số lượng lớn thì các nhà cung cấp sẽ có mức chiết khấu cao hơn. Bạn hoàn toàn có thể đàm phán với các nhà cung cấp để có một cái giá hợp lý.

Ts3
Tăng khả năng đàm phán với các nhà cung cấp

*** BẤT LỢI

1. Nhiều công sức, nhiều rủi ro

Dân gian xưa từng có câu: “Lớn thuyền thì lớn sóng”. Thật vậy, đầu tư càng lớn thì công sức bạn bỏ ra càng nhiều, rủi ro cũng không kém.

Chọn kinh doanh trà sữa theo dạng chuỗi là chọn con đường dài. Để xây dựng được một chuỗi lớn mạnh thì thời gian ít nhất cũng phải từ 5-7 năm. Trong khoảng thời gian này, bạn cần đầu tư không ít thời gian, tiền bạc và chất xám cho chuỗi cửa hàng này. Khối lượng công việc mà một người chủ chuỗi cần quản lý cũng nhân lên nhiều lần tương ứng với số lượng cửa hàng mà bạn sở hữu. Thậm chí, bạn sẽ phải hy sinh rất nhiều thứ mà các cửa hàng riêng lẻ không cần đến.

Ts4
Kinh doanh trà sữa theo chuỗi chứa đựng nhiều rủi ro

Danh tiếng có được khi mở rộng thành chuỗi khó xây dựng nhưng để phá hủy nó thì lại rất dễ dàng. Chỉ cần có một tin đồn thất thiệt như trong trà sữa có vật thể lạ, trân châu là cao su hay chất lượng phục vụ tồi là người ta dễ dàng đánh đồng với cả chuỗi cũng như vậy. Đây cũng là một bài toán khó cho những người kinh doanh chuỗi trà sữa đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ đến từng điểm bán.

2. Khó đưa ra quyết định

Trên thực tế, có rất ít chuỗi trà sữa nào lớn mạnh mà không cần đến các nguồn vốn đầu tư bên ngoài. Nói như vậy có nghĩa là công việc kinh doanh của bạn sẽ chịu sự tác động của một vài người nữa. Càng nhiều nhà đầu tư bên ngoài thì sự chi phối càng lớn. “Chín người, mười ý”. Có một mâu thuẫn muôn thủa đó là các cổ đông góp vốn luôn tránh những ý tưởng mạo hiểm của chủ kinh doanh trà sữa vì lo sợ ảnh hưởng đến tiền của họ. Và không phải lúc nào, bạn cũng may mắn gặp được các nhà đầu tư có hiểu biết và có khả năng đóng góp ngoài đồng tiền mà họ bỏ ra. Phát triển chuỗi không khéo còn làm cho bộ máy tổ chức trở nên cồng kềnh và quan liêu hơn. Guồng máy quản lý chuỗi trà sữa khó tránh khỏi sự phình ra khi số lượng cửa tiệm ngày càng tăng.

3. Khó thay đổi

Ts5
Bất lợi của kinh doanh theo chuỗi là khó thay đổi

Một điểm bất lợi khác của việc phát triển thành chuỗi là khi phải động đến vấn đề thay đổi. Chỉnh sửa lại menu, thay đổi thói quen nhân viên, thay đổi công thức đồ uống của cả hệ thống và đặc biệt là việc trang trí nội thất toàn chuỗi.

Với một cửa hàng đã rất vất vả, đằng này phải làm luôn cùng một lúc từ 10-20 cửa hàng. Nhất là vào các dịp lễ như Tết, Noel hay các dịp đặc biệt, việc trang trí các cửa hàng mất rất nhiều thời gian và công sức thực hiện. Kinh doanh ngành hàng ăn uống, đổi mới và nâng cấp là việc làm vô cùng cần thiết. Đứng yên một chỗ thì sẽ xem như thụt lùi vì các đối thủ cạnh tranh không ngừng xuất hiện và tiến lên phía trước.

*** KẾT

Để có một câu trả lời rõ ràng cho việc kinh doanh trà sữa có nên mở chuỗi hay không thì tùy vào trường hợp cụ thể, vì bối cảnh kinh doanh đằng sau của từng thương hiệu là khác nhau, mỗi hướng đi đều có những ưu và khuyết điểm riêng.

Thị trường kinh doanh trà sữa ở Việt Nam hiện nay đang khởi sắc nhưng cũng rất phức tạp.Rất khó để quyết định có nên mở chuỗi hay không. Điều quan trọng là người trong cuộc phải biết được mình muốn gì, sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc đến đâu để đi theo “hành trình” này.

Nguồn Internet

Comments powered by CComment