Lý do khiến khách hàng bỏ qua website DN

Trong kinh doanh trực tuyến, có nhiều trường hợp sau khi đi “dạo” một vòng trang web của doanh nghiệp, khách hàng quyết định bỏ đi vì không tìm được thông tin mà họ cần. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, có mười nguyên nhân sau đây khiến doanh nghiệp có thể đánh mất khách hàng đã ghé thăm trang web của mình.

website doanh nghiệp

1. Trang web quá phức tạp

Xây dựng một trang web quá phức tạp, khó di chuyển từ trang này sang trang khác là một trong những cách đuổi khách hàng dễ dàng nhất. Nếu khách hàng cảm thấy quá khó khăn để tìm sản phẩm mà họ đang cần, họ sẽ chán nản và rời khỏi trang web của doanh nghiệp.

2. Trang web có nội dung và hình thức không phù hợp

Đây cũng là một cách khước từ khách hàng một cách nhanh chóng và làm cho doanh nghiệp mất đi các cơ hội bán hàng. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp đang bán các sản phẩm xoa bóp bằng hương liệu thì cần phải xây dựng một website có hình thức và nội dung nhẹ nhàng, thoải mái để khách hàng có ngay cảm giác muốn được thư giãn khi ghé thăm nó.

3. Thiết kế kích cỡ của trang web quá lớn

Nhiều doanh nghiệp thường mắc sai lầm khi thiết kế kích cỡ của trang web cho vừa với kích cỡ của màn hình, bằng cách chọn chế độ phân giải chuẩn (800 x 600 pixel). Khi đó, khách hàng ghé thăm trang web không những phải kéo lên, kéo xuống trang web mà còn phải kéo qua trái và qua phải thì mới đọc được hết nội dung. Sự bất tiện như vậy cũng là nguyên nhân khiến họ không muốn ở lại trang web quá lâu hay quay lại trang web. Do đó chỉ nên thiết kế chiều rộng của trang web không dài quá 800 pixel.

4. Thông tin để liên lạc không rõ ràng

Nhiều khi khách hàng ghé thăm trang web của doanh nghiệp có một câu hỏi, một thắc mắc nào đó nhưng lại không tìm thấy ngay các thông tin để liên lạc với doanh nghiệp. Vì vậy, nên để các thông tin như địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số fax… ở những vị trí dễ tìm, dễ thấy như trên đầu hay ở cuối trang web.

5. Không thể hiện hết tất cả các chi phí khác trong giá chào bán trên trang web

Khách hàng muốn có tất cả các thông tin, nhất là các loại chi phí khác ngoài giá chào bán trước khi quyết định mua hàng. Khi phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu các loại chi phí ẩn khác, họ sẽ có khả năng rời bỏ trang web và rút lại ý định mua hàng.

6. Dịch vụ khách hàng không tốt

Dịch vụ khách hàng hữu ích, thân thiện và nhanh chóng là yếu tố giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt cho mình so với các doanh nghiệp khác. Việc trả lời thư điện tử hay các cuộc điện thoại chậm trễ chứng tỏ dịch vụ khách hàng chưa tốt. Hãy thể hiện nụ cười trong khi trả lời thư của khách hàng bằng văn bản hay qua điện thoại trong vòng 24 giờ và tỏ rõ thái độ thân thiện của doanh nghiệp.

7. Không thường xuyên liên lạc với khách hàng sau lần tiếp xúc đầu tiên (follow-up)

Nếu khách hàng đã đặt ra một câu hỏi về một sản phẩm hay dịch vụ mà liên lạc với họ quá trễ (để vài ngày mới làm) thì cũng dễ dàng đánh mất khách hàng. Việc giữ liên lạc thường xuyên với khách hàng có thể đem đến một cơ hội bán hàng mới.

8. Gửi cho khách hàng các bức thư điện tử giống như thư rác

Nếu doanh nghiệp thường xuyên gửi cho các hàng các bức thư dưới dạng bản tin (newsletter) hay các hình thức tương tự, thì cần cẩn thận, nếu không chúng sẽ bị coi là rác, thư “spam”. Hãy chọn một hình thức phù hợp với doanh nghiệp và có thể được khách hàng chấp nhận.

9. Không thể hiện tính chuyên nghiệp

Tính chuyên nghiệp là một yếu tố quan trọng quyết định thành công của doanh nghiệp. Hãy tỏ ra lịch thiệp, nhã nhặn, tử tế và xem trọng quan hệ kinh doanh giữa hai bên. Đổ lỗi cho khách hàng hay chỉ trích họ một cách đích danh, chứng tỏ thể hiện sự kém chuyên nghiệp.

10. Các giải pháp về thanh toán và bảo mật thông tin không tốt

Khi giao dịch với doanh nghiệp trong môi trường thương mại điện tử, khách hàng muốn các thông tin cá nhân của mình, đặc biệt là các thông tin tài chính, được bảo mật tuyệt đối. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải thiết kế một giải pháp thanh toán trực tuyến có khả năng bảo mật cao các thông tin về thẻ tín dụng của khách hàng.

Theo Saga biên dịch & tổng hợp

Comments powered by CComment