Những thách thức kinh doanh cần vượt qua (P1)

Để tạo ra một thương hiệu được yêu thích, được nhiều người biết đến có lẽ điều đó thật không dễ dàng gì, chắc chắn là như vậy, nhất là trong thời điểm này. Bởi vậy mới nói, nếu bạn muốn tạo nên một thương hiệu có giá trị, được mọi người biết đến và yêu thích, hãy bước qua những thử thách dưới đây.

– Thị trường hầu hết các sản phẩm đang ở xu hướng bão hòa
– Cạnh tranh ngày càng gia tăng và phức tạp
– Khó khăn trong việc tạo ra khác biệt
– Mức độ trung thành ngày càng giảm trong nhiều chủng loại sản phẩm
– Thế mạnh thương mại của hệ thống phân phối ngày càng gia tăng
– Các kênh truyền thông, quảng cáo ngày càng phân tán
– Sức ép tìm kiếm lợi ích ngắn hạn cho tổ chức
– Chi phí dành cho xúc tiến bán hàng ngày càng tăng
Trên thực tế, nhiều thương hiệu không thành công trong việc phát huy những tiềm năng hay duy trì giá trị của mình bởi không nhận diện và vượt qua được những áp lực và rào cản này.

kinh doanh

1. Áp lực cạnh tranh về giá

Hầu hết mọi công ty hay các hoạt động kinh doanh online đều chịu áp lực cạnh tranh về giá, bởi liên quan đến giá cả là liên quan đến chi phí. Trong tất cả các ngành công nghiệp – từ máy tính đến ô tô, nhà hàng, hàng không đến đồ uống – bức tranh về thị trường đến nay vẫn thế: cạnh tranh về giá vẫn đóng vai trò trung tâm, chịu tác động và sức ép từ lực lượng bán lẻ, những nhóm khách hàng nhạy cảm về giá, sự suy thoái thị trường (thường do những tác nhân mới xuất hiện hay các đối thủ cạnh tranh).

Các nhà bán lẻ đang ngày càng trở nên hùng mạnh theo thời gian và họ đã sử dụng thế mạnh này để gây áp lực về giá. Một thập kỷ trước, thông tin phần lớn được các nhà sản xuất quản lý. Trong khi đó, các nhà bán lẻ hiện nay đang thu thập được rất nhiều thông tin và phát triển các mô hình sử dụng những thông tin này. Các nhà cung cấp, đặc biệt là những người đứng thứ ba hay thứ tư trong số những người có tỷ lệ thị phần với cấp độ trung thành thương hiệu trung bình, là những người chịu áp lực lớn nhất về giá hàng hóa.

Thực tế trong kinh doanh đã chứng tỏ rằng nhân tố thiết yếu để đạt được sự thành công là duy trì được chi phí thấp. Do đó, các công ty thường xuyên phải tìm cách cắt giảm biên chế, giảm quy mô và cắt giảm toàn bộ các chi phí không cần thiết khác. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra với những người ủng hộ việc đầu tư cho thương hiệu dưới hình thức nghiên cứu thị trường và các hoạt động xây dựng thương hiệu? Những người này chắc chắn sẽ bị chỉ trích bởi cái gọi là văn hóa “tiết kiệm” chi phí của công ty vì việc đầu tư vào giá trị thương hiệu luôn được coi là hết sức tốn kém.

2. Có quá nhiều đối thủ cạnh tranh

Những đối thủ cạnh tranh đáng gờm thâm nhập vào thị trường từ mọi phía. Các đối thủ mới không chỉ tạo sức ép về giá, thị trường có nhiều thương hiệu hơn, điều đó có nghĩa là việc tìm được chỗ đứng cho thương hiệu trở nên khó khăn hơn. Theo đó, mỗi thương hiệu có xu hướng bị đặt vào những vị trí nhỏ hẹp hơn. Các thị trường được nhắm đến trở nên nhò hơn và những thị trường không nhắm tới được lại phình to hơn. Những nỗ lực để tìm thấy một đoạn thị trường rộng lớn trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh các thương hiệu tràn ngập trên thị trường. Hơn nữa, một số đối thủ cạnh tranh sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tìm phương thức hoạt động mới. Hậu quả có thể dẫn đến sự mất ổn định của môi trường cạnh tranh. Bên cạnh đó, trên thị trường cũng xuất hiện một xu hướng là các đối thủ sẽ bắt chước bất cứ phương thức hoạt động nào đang đạt được sự thành công.

3. Kênh tiếp thị truyền thông vô cùng đa dạng

Nếu như trước đây, một thương hiệu có thể dễ dàng đạt được hiệu quả qua các phương tiện truyền thông bởi khi đó chỉ có một số rất ít sự lựa chọn cũng như phương tiện để quảng bá hình ảnh thương hiệu. Các thị trường tập trung còn hết sức phổ biến và chưa có các đoạn thị trường nhỏ. Trong khi đó, các nhà quản lý thương hiệu hiện nay phải đối mặt với một môi trường rất khác mà ở đó khó có thể đạt được sự nhất quán cần thiết để xây dựng và duy trì một thương hiệu mạnh.

Ngày nay, một danh mục dài với nhiều sự lựa chọn phương tiện truyền thông, bao gồm truyền hình, quảng cáo trên Internet, tiếp thị trực tiếp, tài trợ và rất nhiều phương thức khác được sáng tạo và thực hiện hằng ngày. Việc làm thế nào để các thông điệp được gởi đi qua những phương tiện truyền thông này không làm suy yếu thương hiệu đang trở thành một thách thức thật sự, đặc biệt là khi có sự kết hợp của các phương tiện xúc tiến bán hàng. Một quá trình xúc tiến bán hàng phải bao gồm một đợt tặng quà khách hàng và giảm giá mới mong tạo được tiếng vang. Ví dụ, nếu đặc trưng của một thương hiệu nào đó dựa trên chất lượng, có nghĩa là giá cả phải cao tương ứng tương ứng hoặc ít ra là phải giữ ở mức ổn định. Nhưng nó sẽ nảy sinh mâu thuẫn nếu thương hiệu đó cần phải cung cấp hàng hóa với giá rẻ hơn để có được doanh số cao hơn.
Vẫn biết nên đa dạng hóa các kênh truyền thông để gia tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc phát triển và quản lý các đặc trưng khác nhau cho cùng một thương hiệu luôn mang đến những rắc rối cho cả thương hiệu và khách hàng do các thông điệp được gửi đi trên các phương tiện truyền thông hay bị chồng chéo nhau khiến khách hàng biết đến rất nhiều đặc trưng cho cùng một thương hiệu. Như vậy càng có nhiều đặc trưng thương hiệu khác nhau thì việc điều phối để phát triển một thương hiệu mạnh càng trở nên khó khăn hơn.

Việc xây dựng một thương hiệu trong môi trường kinh doanh hiện nay là không dễ dàng. Hình ảnh những nhà quản lý nỗ lực xây dựng một thương hiệu mạnh giống như người chơi golf trên một sân chơi gồ ghề với những bể lắng cát sâu, những khúc quanh đầy góc cạnh và những vùng nước cản rộng lớn. Thật khó có thể đánh trúng được bóng trong điều kiện như vậy. Ngoài ra, những người tạo dựng thương hiệu còn có thể bị vấp phải những rào cản, những áp lực lớn cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Để phát triển hiệu quả các chiến lược thương hiệu, cần phải hiểu biết về những áp lực và rào cản này.

>> Những thách thức kinh doanh cần bước qua (P2)

Theo blog.sapo.vn

Không ghi tác giả

Comments powered by CComment