Nắm bắt tâm lý khách hàng trong kinh doanh bán lẻ (P1)

Khách hàng là những thượng đế khó tính, một ngàn người lại có một ngàn yêu cầu khác nhau, thế nhưng doanh nghiệp muốn kinh doanh phát triển thì buộc phải chiều lòng tất cả họ. Tuy nhiên, nếu cứ mỗi người đến bạn lại bỏ công sức ra tìm hiểu rồi cố gắng khiến họ hài lòng thì cái được không bù nổi cái mất, chẳng ai có nhiều thời gian và nguồn lực để đáp ứng điều ấy cả.

Vậy tại sao lại rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ vẫn có thể thành công khiến khách hàng thoả mãn? Là vì họ đều sở hữu những bí quyết riêng trong việc nắm bắt tâm lý chung của khách hàng để từ đó đưa ra các chính sách phù hợp với đại đa số, giảm thiểu thời gian phục vụ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bí quyết đó là gì trong bài viết dưới đây nhé!

tâm lý khách hàng

1. Khách hàng thường quyết định theo cảm tính

Khi đi mua sắm đa phần chúng ta đều chưa xác định rõ ràng những thứ mà mình sẽ mua, chỉ đại khái là cần mua loại mặt hàng gì, có đặc tính gì mà thôi. Đôi khi, đứng trước gian hàng với cả trăm sản phẩm khác nhau chúng ta lại lựa chọn thứ khác hẳn thứ trước đó định mua. Vì vậy việc khách hàng mua gì và có mua hay không bạn hoàn toàn có thể tác động dựa vào những lời tiếp thị của mình. Nếu bạn có hiểu biết về sản phẩm lại nhạy cảm trong việc nắm bắt nhu cầu của khách hàng, bạn sẽ hướng được họ tới những gì mình muốn bán.
Sức mạnh của những lời tiếp thị không chỉ để quảng bá mà còn có thể thuyết phục người mua, thế nên hãy tuyển chọn và đào tạo những nhân viên bán hàng xuất sắc, vừa am hiểu về sản phẩm vừa có nghệ thuật tư vấn, thuyết phục người khác.

2. Khách hàng chỉ mua khi đã hiểu biết về sản phẩm

Chẳng ai nhìn vào mấy dòng quảng cáo sơ sài, giật tít lại ngay lập tức mua hàng cả, để đến bước đó họ còn phải tìm hiểu tất cả thông tin về sản phẩm, so sánh với sản phẩm khác, đong đếm nhu cầu của mình rồi mới quyết định. Lấy ví dụ đơn giản như khi chọn mua phần mềm quản lý bán hàng, người dùng trước tiên luôn xem xét các tính năng của nó có phù hợp với đặc điểm kinh doanh của mình không, tiếp đến họ sẽ dùng thử để trải nghiệm chất lượng và đánh giá tính xác thực từ các lời quảng bá của bạn, cuối cùng họ mới hỏi giá rồi cân nhắc mua hay không.
Dựa vào đặc điểm tâm lý này bạn cần phải chuẩn bị bảng thông tin chi tiết về sản phẩm kèm hướng dẫn sử dụng, chỉ cần khách hàng có hứng thú sẽ đưa ngay để họ tham khảo, đây là lúc dễ thuyết phục họ nhất.

3. Luôn tính toán lợi ích cho mình

Bỏ tiền ra mua một sản phẩm bất kỳ ai cũng không muốn nhận được thứ vô dụng với mình, vì vậy họ sẽ luôn tự hỏi dùng sản phẩm của bạn sẽ mang đến lợi ích gì. Vì vậy khi giới thiệu cho khách hàng đừng nói quá nhiều về sản phẩm bạn kinh doanh tốt ra sao, đạt những giải thưởng, chứng nhận gì, mà hãy cho họ biết sản phẩm này giải quyết được vấn đề gì cho cuộc sống và công việc của họ. Dựa vào những lợi ích thực tế đó khách hàng sẽ so sánh với số tiền mình bỏ ra rồi quyết định. Trong giai đoạn mấu chốt này bạn cần tăng thêm các giá trị đi kèm để tính thuyết phục cao hơn.

4. Luôn so sánh giá trị

Chắc hẳn trước khi đi mua sắm khách hàng đã tham khảo các sản phẩm tương tự tại một số cửa hàng, vì thế khi đến với bạn họ luôn có sự so sánh giá trị trong đầu, rằng sản phẩm này có thật sự tốt hơn ở cửa hàng kia hay không. Đây là lúc họ đang đắn đo, họ sẽ hỏi rất kĩ về những tính năng và giá cả mặt hàng bạn giới thiệu cho họ, vì thế hãy lập tức nêu ra những ưu điểm khiến sản phẩm nổi bật hơn đối thủ trên thị trường. Thành hay bại, bán được hay không chính là ở bước này, họ chỉ chọn bạn nếu bạn cho họ nhiều giá trị hơn.

5. Tâm lý xã hội của khách hàng trong kinh doanh bán lẻ

Có rất nhiều khách hàng khá cảnh giác với những lời tiếp thị của bạn, họ cho rằng bạn giới thiệu theo kiểu “con hát mẹ khen hay” mà thôi, hoàn toàn là những câu tâng bốc vô nghĩa. Trong trường hợp này, để tạo sự tin tưởng bạn phải đưa ra các bằng chứng thuyết phục, chứng minh sản phẩm của bạn thực sự tốt. Và cách tốt nhất là hãy trích dẫn những lời nhận xét tích cực của khách hàng cũ, người mua sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn nhiều. Đây là đặc điểm tâm lý xã hội chung, con người dễ bị tác động của những người có chung các đặc điểm với mình.

>> Phần 2: Nắm bắt tâm lý khách hàng trong kinh doanh bán lẻ (P2)

Theo blog.ants.vn

Không ghi tác giả

Comments powered by CComment