Khi "thượng đế" cũng phải sợ... quảng cáo!

Quảng cáo là phương thức để khách hàng tiếp cận gần hơn với sản phẩm đang có nhu cầu. Tuy nhiên, khi quảng cáo trở thành nỗi ám ảnh khiến "thượng đế" phải sợ đó là lúc quảng cáo bộc lộ những mặt trái.

 

qc1

Sợ gặp quảng cáo

Xưa nay mọi người thường biết đến quảng cáo như một kênh truyền thông chính thức giới thiệu sản phẩm của nhà phân phối đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, để chắc chắn sản phẩm của mình đến tận tay người tiếp nhận các nhà quảng cáo hiện nay còn sử dụng những hình thức như phát tờ rơi, nhắn tin, gọi điện thậm chí gửi email đến từng cá nhân mà không biết rằng đôi khi sự "tận tình" của mình đã đem đến những mặt trái không mong muốn.

qcMột kiểu quảng cáo bằng tin nhắn điện thoại (ảnh minh họa: internet)

Một bác sĩ có tên nickname Thanh Hà cho biết chị thường xuyên bị tra tấn bằng những hình thức quảng cáo qua điện thoại và tin nhắn. Họ điện thoại bất kể giờ giấc nào. Đặc biệt, có lần chị đang khám cho người bệnh thì có cuộc điện thoại quảng cáo, chị không nghe và cũng không tắt máy mà để cho đầu dây bên kia tự độc thoại một mình. Tưởng như thế là xong nhưng ngờ đâu người gọi điện đầu dây bên kia tìm mọi cách để liên lạc lại với vị bác sĩ này, thậm chí dùng một số điện thoại khác để gọi. Chỉ đợi chị cất tiếng alo ngay lập tức đầu dây bên kia mắng té tát với những câu đại loại như: "Bà là người mất lịch sự, bà có học mà không biết văn hóa điện thoại à"...

"Tự nhiên bị nghe chửi choáng luôn, nhưng cũng kịp định thần và nói được một câu: Văn hóa điện thoại của tôi tẻ nhạt nhưng mới chỉ đáng học trò của chị thôi", chị Thanh Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất rơi vào tình huống trên. Nickname Nguyễn Hoàng cho biết: "Làm nghề y nên dù là đang đêm mà có cuộc gọi hay nhận được tin nhắn không thể không mở. Tuy nhiên, khi mở ra gặp phải tin nhắn quảng cáo lúc đó tôi chỉ muốn điên lên". Từ đó trở đi, đối với những cuộc gọi đến để mời quảng cáo, anh Hoàng thường để máy xuống nhưng không tắt để cho đầu dây bên kia tự độc thoại sau đó tự tắt còn những tin nhắn quảng cáo anh xóa luôn chứ không đọc.

"Mỗi ngày nhận từ 3 đến 6 cuộc gọi như vậy, chưa kể còn phải tiếp nay đoàn này, mai lại đoàn khác.... Còn bao nhiêu cú điện thoại, câu hỏi, thắc mắc của bệnh nhân và các thủ thuật cần thời gian để nghiên cứu, tiến hành tất cả đổ vào đầu", anh Hoàng tâm sự.

Nickname Hoa Lan Mai Trần cho biết cũng vì những tin nhắn rác đó mà hiện nay cô chỉ dùng điện thoại với hai chức năng nghe và gọi, không dùng chức năng tin nhắn. Còn lên mạng thì dùng iPad cho... đỡ phiền.

Không chỉ bị săn đón bằng tin nhắn, điện thoại, thời gian qua chị Lê Hiền (Cầu Giấy – Hà Nội) còn bị "khủng bố" bằng những email rao bán nhà đất, căn hộ, tour du lịch giá rẻ, thậm chí ngay cả sim số đẹp.

Những tin nhắn có nội dung như: "Chỉ với 130 triệu đồng khách hàng sở hữu căn nhà 4x9:36m2... Liên hệ: 0165....".

"Khu đô thị Tây bắc Thành phố Hồ Chí Minh, sổ hồng riêng, thổ cư 100%, chiết khấu 5%, trả góp 12 tháng, không lãi suất. Liên hệ: 0906.353...".

"Ban đầu thì thấy bình thường nhưng ngày nào cũng nhận được đầy một hộp thư toàn những thư rác, che lấp cả những thư mình cần tìm kiếm khiến tôi cảm thấy rất khó chịu. Không hiểu họ có bao giờ đặt mình vào vị trí những người phải nhận những thư rác này không mà lại làm như thế", chị Hiền bức xúc.

"Hiệu quả" tức thì

Một phương thức quảng cáo truyền thống mà lâu nay vẫn được các nhà tiếp thị quảng cáo sử dụng đó là phát tờ rơi. Tuy nhiên, đối với những tờ rơi phát không đúng người thì nó cũng nhanh chóng trở thành công cụ cho người nhận thực hiện một mục đích khác. Nickname mang tên Nguyễn Thành Nhân cho biết: "Nhà tôi ngày nào cũng có 3 tờ báo quảng cáo về hàng điện máy để đi... lau kính. Nhà có mỗi một mình nên ba năm rồi không phải mua giấy...".

Trao đổi với PV Infonet, ông Trần Hiếu cố vấn SEO - Marketing Online cho biết:Việc quảng cáo bám đuổi khách hàng khá thịnh hành trong năm nay gây ra một cảm giác khó chịu đối với khách hàng. Tuy nhiên, nếu quảng cáo hấp dẫn và đúng thời điểm, đúng nhu cầu thì lại không phản cảm. Nhưng chuyện đó rất khó.

"Các loại hình quảng cáo bây giờ đều hướng vào sản phẩm, dịch vụ gây ra một cảm giác khó chịu đối với người tiếp nhận. Tuy nhiên, để thay đổi thái độ người tiếp nhận hiện nay một số nhãn hàng lớn đã áp dụng phương pháp mang tên content marketing tức hướng vào lợi ích khách hàng. Ví dụ, thay vì quảng cáo dẫn đến một chiếc máy giặt chúng ta quảng cáo dẫn vào hướng dẫn sử dụng máy giặt bền hơn, cái đó gọi là content marketing. Khi khách hàng nhận được giá trị thì họ sẽ tự đặt mua và không thấy phản cảm", vị cố vấn SEO - Marketing Online nhấn mạnh.

Lại Hà

Theo Báo Mới

Comments powered by CComment