Phương pháp truyền tải thông điệp trong TVC

Thông điệp được xem như linh hồn của TVC. Vậy nên 1 TVC thành công phụ thuộc rất lớn vào việc lựa chọn phương pháp truyền tải của doanh nghiệp.

 

PPtvc3

Theo Julian Simon – giáo sư quản trị kinh doanh của Đại học Maryland, thành viên cao cấp Viện Cato, có 7 phương pháp chính truyền tải thông điệp:

1. Phương pháp thông tin

Theo phương pháp thông tin, khi truyền tải thông điệp chỉ đưa ra thông tin. Như giới thiệu đầy đủ về sản phẩm mà không cần một lời đánh giá hay lời bình nào.

Phương pháp này cung cấp thông tin để người tiêu dùng biết về sản phẩm và ra quyết định mua. Tất nhiên, với độ dài có hạn của TVC, doanh nghiệp cần biết nên đưa thông tin như thế nào để kích thích người tiêu dùng tốt nhất.

Như thông điệp "không sợ nóng" của Omachi, đã giúp doanh số Masan tăng liên tục. Masan đã khéo léo thông tin đến người xem rằng đây là sản phẩm mì làm từ khoai tây, ăn không sợ nóng và nổi mụn.

2. Phương pháp lý luận

Phương pháp này áp dụng cho những sản phẩm có tính năng đặc biệt hơn hẳn các sản phẩm cùng loại khác. Ngoài các thuộc tính được đưa ra, thông điệp phải kèm theo ý kiến đánh giá.

Như Samsung Smart TV, ngoài việc giới thiệu sản phẩm mới, thông điệp còn lý luận, giải thích về lợi ích của sản phẩm mà chưa có dòng TV nào trên thị trường đáp ứng được. Cụ thể là nó có thể hát karaoke ngay tại nhà chỉ với 3 bước đơn giản, vô cùng tiện lợi, hấp dẫn với 7000 bài mới nhất. Ngoài tính năng này, TV còn có hơn 1600 tính năng khác...

PPtvc

Hình ảnh trong buổi giới thiệu Samsung Smart TV

3. Phương pháp tâm lý

Thường được áp dụng để quảng cáo khi sử dụng những hình ảnh, âm thanh, màu sắc gây tác động tâm lý đến người xem. Làm cho họ có cảm giác sợ hãi hay vui vẻ từ đó sẽ hình thành những phản ứng nhất định.

Ví dụ, đoạn phim "Hãy đội mũ bảo hiểm – Đừng ngụy biện" có độ dài 60 giây do Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á kết hợp cùng Ủy ban ATGT Quốc gia và Nhóm khuyến khích đội mũ bảo hiểm, ngay từ lần đầu phát sóng (ngày 28/6/2007) đã làm cho khán giả cả nước thực sự phải suy nghĩ nghiêm túc về hậu quả của việc không sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

TVC "Hãy đội mũ bảo hiểm – Đừng ngụy biện"

4. Phương pháp khẳng định lặp đi lặp lại

Phương pháp này làm nhập tâm người xem bằng giọng điệu, hình ảnh hay âm thanh cứ lặp đi, lặp lại hoặc được phát sóng nhiều lần, giúp người xem dễ nhớ về sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần phải chú ý trong việc lồng ghép thông điệp của mình. Nên có sự phối hợp hài hòa giữa âm thanh và hình ảnh, không nên đơn điệu, rập khuôn.

Như TVC xúc xích SoYumm chỉ dài chưa tới 15 giây mà từ "càng ăn càng mê" lại được lặp 7 lần nhằm nhấm mạnh đến mức độ thơm ngon của sản phẩm, khiến người tiêu dùng nhớ rõ thông điệp này.

PPtvc1

Poster của TVC quảng cáo xúc xích SoYumm

5. Phương pháp mệnh lệnh

Thông điệp truyền tải mệnh lệnh đến người tiêu dùng rằng: "Đừng chần chừ...", "Đắn đo gì nữa...", "Hãy mua ngay sản phẩm...". Phương pháp này khuyến khích, thúc đẩy quyết định mua.

Ví dụ, thông điệp trong TVC của thuốc Tiffy vô cùng đơn giản và ngắn gọn "Khi bị cảm cúm, hãy dùng ngay Tiffy". Thông điệp này như 1 mệnh lệnh, gây ấn tượng mạnh với người xem, khiến họ nghĩ ngay đến việc mua sản phẩm khi bị cảm.

6. Phương pháp liên tưởng biểu tượng nhân cách

Mục đích là để cho người xem phát sinh ý tưởng thông qua biểu tượng của thương hiệu. Khi khách hàng bắt gặp biểu tượng sản phẩm hay một số đặc tính liên quan, sản phẩm sẽ ăn sâu vào tâm trí của khách hàng.

Như khi nhắc tới hình ảnh con bò vui nhộn người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay tới quảng cáo của nhãn hàng sữa Vinamilk với 100% làm từ sữa bò tươi nguyên chất.

PPtvc2

Hình ảnh TVC quảng cáo sữa tươi Vinamilk

7. Phương pháp nêu gương

Phương pháp này đạt hiệu quả cao bằng cách sử dụng nhóm tham khảo để tác động vào người xem. Họ đưa vào TVC hình ảnh các nhân vật nổi tiếng được công chúng ái mộ để kích thích người xem.

Như sau khi TVC của Sunsilk được trình chiếu, nhiều người đã mua sản phẩm này bởi vì họ thích và muốn có mái tóc óng mượt, đen nhánh như Hồ Ngọc Hà.

Ngoài 7 phương pháp trên, thông điệp trong TVC còn có thể được trình bày theo các phương pháp như: phương pháp hình ảnh hoặc tâm trạng, phương pháp trí tưởng tượng, phương pháp âm nhạc... Mỗi phương pháp đều có những ưu và khuyết điểm riêng, không gì là hoàn hảo tuyệt đối. Có thể, đối với thông điệp này phương pháp nêu gương là phù hợp nhưng với thông điệp khác phương pháp tâm lý lại tối ưu hơn. Do đó, tùy thuộc vào thông điệp, mục tiêu và ngân sách, doanh nghiệp có thể sử dụng 1 hoặc nhiều phương pháp phối hợp để bổ trợ và tạo ra cộng hưởng nâng cao hiệu quả truyền thông.

Như Quỳnh tổng hợp
Theo MarketerVN

Comments powered by CComment