Chức Năng Bán Lẻ Trong Chuỗi Cung Cấp

Đỗ Hòa. Bốn chức năng chủ yếu của kênh bán lẻ hiện đại.

Chức năng nghành bán lẻ có thể được phân định trong phạm vi 4 chức năng chính.

  1. Khai thác một số nhóm mặt hàng và dịch vụ.thích hợp
  2. Chia những lô hàng lớn thành những đơn vị nhỏ
  3. Lưu trữ sẵn hàng hóa
  4. Trưng bày hàng hóa và dịch vụ cộng thêm.

1. Khai thác một số nhóm mặt hàng và dịch vụ thích hợp.

Cửa hàng bán lẻ cần phải khai thác một số lượng lớn các sản phẩm được sản xuất bởi nhiều công ty khác nhau. Điều nầy là cần thiết vì nó mang lại cho khách hàng sự thoải mái trong việc lựa chọn sản phẩm, nhãn hiệu, mùi vị, màu sắc, qui cách bao bì đóng gói và cả các mức giá khác nhau. Chính vì vậy cho nên các cửa hàng bán lẻ phải rất thận trọng trong việc chọn lưa những nhóm hàng hóa và dịch vụ thích hợp nhất cho từng cửa hàng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng ở khu vực mà cửa hàng tọa lạc.

Nếu nhiệm vụ chính của các nhà sản xuất là sản xuất ra sản phẩm tốt thì cửa hàng bán lẻ giúp tiếp thị những sản phẩm nầy đến người tiêu dùng. Chẳng hạn như Vinamilk sản xuất các sản phẩm sữa, Daso sản xuất xà phòng, Mỹ Hảo sản xuất ra nước rửa chén, Nam Dương sản xuất nước chấm và Bibica sản xuất bánh kẹo. Cho dù các nhà sản xuất trên có tự đứng ra tổ chức cửa hàng bán lẻ để phân phối sản phẩm của mình thì cũng khó lòng để người tiêu dùng có thể chấp nhận bỏ thời gian đi đến hàng chục cửa hàng khác nhau để mua cho đủ những thứ mà mình cần dùng trong ngày. Đó là lý do vì sao cửa hàng bán lẻ là trở thành một điểm mua sắm được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.

Tuy tất cả các cửa hàng bán lẻ đều cung cấp rất nhiều mặt hàng và thương hiệu khác nhau, nhưng mỗi cửa hàng đều có một xu hướng thiên về một nhóm sản phẩm làm nòng cốt.

2. Chia những lô hàng lớn thành những đơn vị nhỏ.

Từ retailler bắt nguồn từ tiếng Pháp mang nghĩa là cắt nhỏ, chia nhỏ. Chúng ta đều biết rằng bán sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng là điều không hề đơn giản đối với đa số các nhà sản xuất và các nhà bán sỉ. Do vậy các nhà sản xuất và các nhà bán sỉ ưa thường thích bán từng lô lớn cho những nhà bán lẻ chuyên nghiệp để họ chia nhỏ ra rồi bán lại cho người tiêu dùng theo qui cách phù hợp với thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại địa phương ấy.

Chẳng hạn như nhà sản xuất nước bia cho nhà phân phối từng xe tải, nhà phân phối sau đó bán lại cho nhà bán lẻ mỗi lần có thể chỉ vài két, để nhà bán lẻ cuối cùng bán lại cho người tiêu dùng một vài chai.

3. Lưu trữ sẵn hàng hóa.

Một trong những chức năng chính của nhà bán lẻ là lưu trử hàng hóa nhằm làm cho hàng hóa lúc nào cũng có sẵn mỗi khi người tiêu dùng cần đến. Người bán lẻ thông thường không thích trữ chỉ một vài mặt hàng với khối lượng lớn, ngược lại họ thích trữ nhiều mặt hàng với khối lượng càng nhỏ càng tốt. Vì như thế khách hàng luôn luôn có nhiều sự chọn lựa hơn. Hưởng lợi từ chức năng nầy của người bán lẻ, khách hàng không phải mua trử nhiều sản phẩm không nhà. Họ chỉ mua đủ dùng vì sản phẩm lúc nào cũng có sẵn ở cửa hàng bán lẻ.

Không những thế, người bán lẻ còn dự đoán nhu cầu của khách hàng khi lên kế hoạch dự trữ hàng. Đây là một lợi ích mà người bán lẻ tạo ra cho khách hàng, khi nhu cầu phát sinh khách hàng luôn dễ dàng tìm thấy thứ mà mình cần.

4. Trưng bày hàng hóa và cung cấp dịch vụ cộng thêm.

Bên cạnh những chức năng trên, nhà bán lẻ còn tạo ra mặt bằng trưng bày hàng hóa rộng lớn có thể trưng bày hàng hóa một cách đa dạng và phong phú, giúp khách hàng thoải mái xem, thử, chọn lựa trước khi quyết định mua.

Không chỉ chấp nhận thanh toán bằng những loại thẻ tín dụng phổ biến, nhiều nhà bán lẻ còn phát hành thẻ tín dụng riêng của họ nhằm giúp cho khách hàng có được một hạn mức tín dụng để mua hàng trước và trả tiền sau.


Đỗ Hòa - Marketing Chiến Lược

Comments powered by CComment