TGDD: Ưu tiên bảo vệ lợi nhuận, bảo vệ dòng tiền dù doanh thu giảm đi khi COVID-19 quay trở lại

“Tinh thần trong 1-2 năm tới của chúng tôi là sẽ sống chung với lũ, nước có thể lên và rút như thủy triều. Rõ ràng MWG không kiểm soát được thủy triều lên xuống ra sao mà chỉ có thể đặt vấn đề làm thế nào để giữ hiệu quả”.

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa có buổi gặp gỡ với nhà đầu tư. Ghi nhận, tổng doanh thu chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX) trong tháng 7 giảm đến 17% so với cùng kỳ khi sức cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử, điện máy giảm phản ánh rõ rệt việc người dân thắt chặt chi tiêu.

Với Bách hoá Xanh (BHX), trong nửa đầu năm, MWG thực hiện chiến lược mở rộng mạnh với độ phủ dày đặc nhằm giải phóng các mặt hàng tồn đọng. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vẫn chưa thể khai trương do dịch bệnh cũng như áp lực phải gia tăng công suất phục vụ của các kho/ trung tâm phân phối (DC) ở khu vực tỉnh lẻ.

Từ tháng 7, BHX bắt đầu giảm tốc độ mở mới, trung bình chỉ mở 50-80 cửa hàng/tháng để cải thiện chất lượng doanh thu, giảm sự pha loãng doanh thu bình quân 1 cửa hàng. Ghi nhận, doanh thu tháng 7 của BHX tăng 80% so với cùng kỳ và tăng 12% so với tháng 6. Doanh thu bình quân quay trở lại mức 1,2 tỷ đồng/cửa hàng trong tháng vừa qua.

P8

Ảnh: Internet

Nói về tình hình dịch bệnh đợt 2, Giám đốc Điều hành – ông Đoàn Văn Hiểu Em – cho biết Công ty tiếp tục phải tạm đóng cửa 31 cửa hàng, trong đó ở Đà Nẵng là 29 đơn vị và Quảng Nam là 2 cửa hàng. Ngoài ra, tại một số địa phương khác, tuỳ theo mức độ dịch bệnh mà chính quyền có thể yêu cầu cửa hàng chỉ bán mang đi hoặc giới hạn số lượng khách mua sắm (đang áp dụng tại hơn 150 cửa hàng khác).

Theo ông Hiểu Em, riêng khu vực miền Trung với 188 cửa hàng (TGDĐ và ĐMX) đang chịu ảnh hưởng nặng hơn từ làn sóng COVID-19 lần 2 này. Ước tính doanh thu khu vực này đã giảm khoảng 30% về chỉ còn khoảng 400 tỷ đồng trong tháng 7. Các khu vực khác như Hà Nội và TP.HCM ngược lại không bị ảnh hưởng nhiều.

Bổ sung quan điểm, Chủ tịch MWG – ông Nguyễn Đức Tài – cho biết trong đợt bùng phát mới này hiệu ứng mua tích trữ không còn lớn như lần trước. Như vậy, sức mua đã có sự ảnh hưởng đáng kể và sẽ còn kéo dài khi thu nhập của người lao động chưa thực sự phục hồi. Thậm chí, sức mua trong giai đoạn cuối năm và năm 2021 vẫn sẽ trì trệ, ông Tài nói.

“Tôi cảm giác đây không phải là đợt bùng phát cuối cùng mà có thể vẫn còn tiếp diễn, ngay cả vắc xin cũng chưa thực sự giải quyết được vấn đề bởi cần nhiều thời gian hơn để tạo ra loại vắc xin tối ưu với các chủng virus mạnh hơn. Tinh thần trong 1-2 năm tới của chúng tôi là sẽ sống chung với lũ, nước có thể lên và rút như thủy triều.

Rõ ràng MWG không kiểm soát được thủy triều lên xuống ra sao mà chỉ có thể đặt vấn đề làm thế nào để giữ hiệu quả. Khi sức mua giảm xuống mà đi kích cầu là ảo vọng, thậm chí có thể gây ra thiệt hại hơn là có lời. Định hướng rõ ràng của MWG là bảo vệ lợi nhuận, hoặc có thể tăng lợi nhuận chút dù cho doanh thu sẽ giảm đi. Thực tế doanh thu Công ty không có gì thú vị nhưng lợi nhuận đang được bảo vệ”, ông Tài khẳng định.

P9

Nói về việc liệu có thay đổi kế hoạch kinh doanh, người đứng đầu MWG phân trần doanh nghiệp chủ trương tập sống chung với lũ và phải chiến đấu với các mục tiêu đã được đề ra. Liên quan đến vấn đề chia cổ tức năm 2019 cho các cổ đông, Chủ tịch MWG cho biết ĐHĐCĐ đã bật đèn xanh, tuy nhiên ưu tiên số một của Công ty lúc này là bảo vệ dòng tiền kinh doanh. Nếu giữ mức chia cổ tức tiền mặt 15% như các năm trước, dòng tiền kinh doanh sẽ bị lấy đi 600-800 tỷ đồng. Do đó, ban lãnh đạo sẽ xem xét diễn biến của dịch bệnh, cũng như dòng tiền kinh doanh để đưa ra quyết định cuối cùng.

Được biết, năm 2019, Công ty ghi nhận LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ là 3.834 tỷ, tăng 33% so với năm 2018. Theo đó, Đại hội 2020 của MWG đã trình và thông qua phương án chi trả cổ tức 2019 bằng tiền mặt, tối đa 1.500 đồng/cp, dự kiến thực hiện trong năm 2020.

Tri Túc
* Nguồn: CafeF

Comments powered by CComment